Lý do tôi cảm thấy không muốn dùng địa danh thật là vì hình ảnh gắn
liền với tên của vùng đất đó đã nằm trong tim óc của người sở tại hoặc
những người biết đến nó dưới một dạng nào đó.
Nhưng nếu nói vậy thì không có vùng đất nào ta không có sở hữu về tinh
thần, kể cả những vùng đất tưởng tượng. Ai cũng sở hữu đủ loại vùng đất
theo cách của mình. Bạn viết về một vùng đất nào đó, về quan hệ của bạn
với vùng đất đó, tôi là người đọc hẳn muốn tôn trọng sự thật của quan hệ
này. Dĩ nhiên bạn cũng chỉ có thể viết khi tôn trọng vùng đất đó, quan hệ
giữa những người dân với vùng đất đó.
Nhưng muốn tự do hơn, tránh những quan hệ tế nhị trên thì có thể chọn
kiểu viết tiểu thuyết. Những chi tiết trong truyện nếu bị soi chiếu với nhân
vật, câu chuyện, phong cảnh trong thực tế, nếu có bị chỉ trích về cách mô tả
và tính trung thực thì có thể giải thích “đây là tiểu thuyết mà.” Nhưng khi
người viết bảo “đây là tiểu thuyết mà” thì tuyệt nhiên đó không phải là trốn
tránh hoặc chữa cháy và cũng không nên vậy. Bảo “đây là tiểu thuyết mà”
không phải là chối bỏ trách nhiệm vì “cái này không phải là sự thật nên
đừng để ý từng chi tiết trong đó mà cáu lên như vậy,” mà ngược lại “đây là
sản phẩm tưởng tượng của tôi cho nên tất cả những gì viết trong đó tôi đều
chịu trách nhiệm.”
Tuy nhiên lúc đó tôi đã không nghĩ thế. Lúc đó tôi khá hồn nhiên chỉ
nghĩ như nhà văn Faulkner là người sở hữu phố Jefferson hạt
Yoknapatawpha, tôi cũng muốn sở hữu một vùng đất hoàn toàn chưa có bàn
tay tưởng tượng của ai chạm tới, chỉ có tôi thôi. Và tên của vùng đất đó là
ura – Vũng.
❃ ❖ ❊
Ở trên, tôi có nói khi tôi định viết tiểu thuyết tôi mới nhận ra âm cuối tên
các làng đều gọi là ura. Lúc đó tôi đang ở Tokyo quằn quại chiến đấu với
cái luận văn thạc sĩ. Còn khi tôi viết cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh là ura, tôi