đang học lớp Ba của tôi sợ Mẽo-tsugu Azamui không dám vào phòng
khách. Nó đứng ngoài bếp nhòm vào, mếu máo cằn nhằn với mẹ: “Con
không xem được tivi đây này.”
Ở Vũng ai ai cũng biết Mẽo-tsugu Azamui. Từ buổi trưa đã uống rượu và
lúc nào cũng say sưa. Nghe nói đã bán nhà vì rượu, vợ dắt con bỏ đi từ lâu.
Bây giờ ông sống ở chung cư phố bên kia đường, cách một cái cống từ cư
xá cảnh sát nhìn sang. Sở dĩ ông không làm gì mà vẫn sống được là nhờ
vào khoản tiền bảo hiểm lao động do “bệnh rung chuyển nghề nghiệp”.
Thời còn trẻ ông kiếm sống bằng nghề đào đường hầm ở mấy vùng xa
Vũng.
Lần nào đến, Mẽo-tsugu Azamui cũng vừa uống vừa nói về xác chết dạt
trên bãi biển. Nhưng ngoài Mẽo-tsugu Azamui, không ai nhìn thấy cái xác
ấy cả. “Đừng có nghe cái thằng nghiện rượu nói nha,” dân trong Vũng cảnh
báo bố thế.
Tay của Mẽo-tsugu Azamui lúc nào cũng run run. Không biết vì “bệnh
rung” hay vì rượu. Hai tay của Mẽo-tsugu Azamui run bần bật như cái la
bàn hỏng kim không thể chỉ cho người xem hướng nào ra hướng nào. Bởi
cái la bàn hỏng nên người lữ khách mấy lần xuất phát rồi quay trở về chỗ
cũ, đến người đưa tiễn đi mãi cũng phát chán. Thêm nữa, người trở về
không phải là anh hùng hảo hán mệt mỏi sau cuộc chiến không ngừng giữa
địch ngoài là chướng ngại và thù trong là ngập ngừng, mà là gã nghiện
rượu loạng choạng uống liên tục không ngớt cơn thèm. Mẽo-tsugu Azamui
hay đến nhà người khác uống rượu chùa như vậy, cho nên người trong
Vũng đã từ lâu không coi ra gì nữa, bây giờ thấy có người mới là bố tôi nên
đến nhà uống hoài.
Nhưng lúc Mẽo-tsugu Azamui uống thì chẳng thấy biểu lộ chút gì sung
sướng. Khuôn mặt nghiêng nhắp rượu càng say càng cứng đờ vô cảm. Thời
gian như biến mất trên khuôn mặt say xỉn của Mẽo-tsugu Azamui. Cái mặt
nghiêng không có tuổi, giống như chân dung của vị vua khắc trên đồng tiền
được quật lên từ di tích của một vương quốc nhỏ nay không còn nữa. Vua