Nàng cho tôi xem đệm gối hoặc khăn áo tự tay của nàng thêu ra; khoe các
thứ vòng khuyên và xuyến bạc là tư trang của nàng và bảo nhỏ tôi rằng:
“Bao giờ chị đi lấy chồng, chị còn có nhiều nữa kia, lại nhiều thứ đẹp lắm”.
Tôi nghe nói, sầm mặt lại không đáp. Rồi từ lúc đó, tôi không cười nói như
trước. Nàng không chú ý đến sau thấy tôi buồn thì cho tôi là nhớ nhà. Bao
nhiêu lần tôi gọi nàng, đôi mắt trách móc, định nói với nàng một câu.
Nhưng khi nàng quay lại, giương cặp mắt nhìn tôi, thi tôi lặng yên, hoặc
nói một câu vu vơ nào khác.
* * * * *
Đến chiều, nàng đưa tôi ra Quảng Uyên, lúc từ giã về, nàng thấy tôi vẫn
buồn, không hiểu sao, nàng hứa với tôi rằng đến phiên chợ sau nàng sẽ đem
rất nhiều mắc phì phà ra cho tôi. Tôi muốn giữ lấy nàng, bíu lấy nàng, hết
lời tha thiết cho nàng nghe một câu thôi. Tôi muốn bảo nàng rằng: “Ché
Sao ơi! Chị mà đi lấy chồng thì em giận chị lắm cơ đấy!”. Nhưng tôi lại
muốn cho nàng cứ trông thấy vẻ giằn dỗi của tôi cũng hiểu tôi định nói gì
kia!
Một hôm nàng ra chơi, tôi không để ý gì đến hoa quả của nàng, chỉ để nàng
cầm tay, yên lặng nhìn nàng như nhìn một người lạ.
Nàng hứa các cảnh đẹp nàng sẽ đưa tôi đến, hứa các cuộc hát vui nàng dẫn
tôi đi xem; nhưng tôi vẫn không tỏ ra dáng vui mừng. Tôi giận nàng mà tôi
lại yêu mến nàng hơn lên. Nàng buồn rầu bảo tôi:
“Hôm qua, một người quen ‘bá mế’ chị về xuôi, chị buồn quá!”
Tôi hỏi:
“Chị nhớ người ta sao?”
“Không”.
“Thế sao buồn?”
“Vì chị nghĩ đến Noọng Mai, chị không biết Noọng Mai có ở Quảng Uyên
mãi không?”
“Ở mãi làm gì? Vì ở mãi rồi có ngày... em không được làm chị em chị nữa
cơ mà!”
Tôi muốn nói thêm một câu hờn giận, nhưng tôi không nỡ. Thấy nàng hơi
biến sắc, nên tôi vội nói.