khuâng, tôi thấy như có một bài thơ réo rắt trong tâm hồn. Tôi nhớ lại
những điệu hát thật thà, mộc mạc của người Thổ, bên tai vẳng tiếng Ché
Sao; tôi thường âm thầm mà tự bảo mình rằng:
“Mặt trăng kia treo cao trên trời xanh, đâu đâu ai ai cũng thấy, sao lại
không là một tấm gương trong sáng để khi ta nhìn lên, ta trông thấy hình
ảnh cái nhà sàn của Ché Sao? Mà khi Ché Sao có ra sân đứng thì cũng thấy
bóng ta trên đó đang buồn rầu tưởng nhớ đến nàng”.
Gần Tết:
Cảnh mưa bụi sương mù của thành phố lại càng khiến cho nỗi tưởng nhớ
của tôi càng thêm thấm thía. Nhưng tôi mừng vì sắp được nghỉ về Quảng
Uyên chơi. Tôi đã tưởng trước đến lúc sung sướng được gặp Ché Sao, tôi
sẽ kể cho nàng nghe nỗi lòng của tôi để nàng yên ủi.
Không ngờ lúc tới nhà, tôi được tin nàng đã lấy chồng từ tháng trước, nghĩa
là tôi không còn hy vọng để gặp nàng! Thầy me tôi không hiểu được nỗi
buồn tủi sâu xa của tôi, mà tôi cố nén lòng không để gia đình tôi thấu rõ.
Nửa năm học và sự giao tiếp với bạn bè ở Hà Nội cũng đã làm cho tôi trông
rõ sự thực, làm cho tôi lúc đó biết nghĩ. Tôi biết Ché Sao lấy chồng là một
việc thường lắm. Cái tâm hồn chất phác của nàng không thể có những tính
tình thắm thiết lâu bền được. Tôi không oán giận nàng một cách vô lý như
trước. Nàng đã là một thiếu phụ mang tên và sống chung với người khác,
sống một cuộc đời bình thường như trăm, nghìn chị em cùng giống với
nàng, chưa chắc có lúc nào nghĩ tới tôi.
Nhưng tôi chỉ tiếc cô con gái dịu dàng là Ché Sao của tôi thôi, tôi tiếc
người sơn nữ thật thà đã yêu mến tôi một cách thật thà, và đã vô tình đeo
vào lòng tôi những nỗi thổn thức mới mẻ thắm tươi của sự yêu thương lần
thứ nhất.
Rút trong tập “Bên đường Thiên Lôi”