cười nói vang đường, súng sính trong bộ quần áo chàm mới.
Xa xa, áp vào chân núi, lác đác mấy chiếc nhà sàn mái dốc, tường quét vôi
trắng dán câu đối đỏ, điểm vào những vừng cây lá um xanh, cảnh vật trông
đỏm dáng như một cô gái sắp về nhà chồng, trên đó phảng phất một làn
sương lam lẫn với màu khói pháo.
Tôi đi khỏi một quãng đường đất đã khô, thì nhìn thấy một đám đông người
đang chạy nhảy reo hò trên một vùng cỏ non rộng rãi. Chung quanh đó,
từng tốp trai gái vỗ tay hòa theo, làm vang động cả hai bên núi đá.
Tôi chạy lại coi thì đó là một cuộc đánh “còn”.
Quả “còn” tức là một quả đúm bện vải màu, tròn và to gần bằng quả bưởi;
năm sáu tua vải ngũ sắc đính vào làm thành một túm đuôi nheo rất dài. Mỗi
năm, trai gái Thổ lại họp nhau một nơi đánh “còn” thi. Bên trai tung “còn”
qua một cái vòng tròn đặt cao, để bên gái bắt tung trả lại, bên nào tung
không trúng và hay rớt thì thua.
Quả đúm bay lượn trên không trông thật đẹp, rơi xuống bên gái là bên tôi
đang bước tới, thì phần nhiều một cô gái trẻ nhất, và nhanh nhẹn nhất hay
bắt được mà mỗi lần bắt được thì bao nhiêu miệng cùng khen: “Ché Sao
giỏi a”.
Cái vui vẻ sung sướng của người con gái hiện trên khuôn mặt đầy đặn, trên
đôi mắt đen láy và trên cặp môi ăn trầu đỏ tươi... Tôi cũng vỗ tay reo với
mọi người, lại reo to hơn. Nàng thích chí, quay lại nhìn tôi mỉm cười, rồi
liền quay đi, rún mình vung quả “còn” tung sang cho bên trai.
Tôi chạy đến bên nàng nói:
“Ché Sao tức còn đây lai!” (Ché Sao đánh “còn” giỏi lắm)
Thì nàng cầm lấy vai tôi gật đầu cười, hỏi lại bằng tiếng Thổ:
“Thật không? Thật không? Cậu con trai cũng biết đánh chứ?”
Tôi toan đáp thì nàng nhảy vội lên bắt được quả đúm một lần nữa rồi tung
sang.
Tôi cùng nàng chạy lẫn vào đám chị em nàng. Lúc quả đúm bên kia đánh
về, nàng mải vui cười và mải tránh tôi nên để rơi xuống đất, tôi nhặt ngay
lấy đưa cho nàng và hỏi:
“Tử khỏi tức đuổi nớ, Ché Sao?” (Tôi đánh với có được không Ché Sao?)