nhưng những móng sắc càng bám sâu thêm vào làn da, làm thiếu nữ đau
đớn. Nàng hơi nhăn mặt, và cất giọng cau có:
"Ô hay! Bà làm cái gì thế này?"
Người đàn bà tác sác:
"Tao hỏi mày, mày lấy cáo áo này ở đâu ra?"
"Tôi mua đi bán lại!"
"Đồ điêu! Mày ra công an với tao, xem mày còn điêu ngoa được như thế
mãi hay không?"
Thiếu nữ giằng lại. Bà ta lôi đi. Cuộc giằng co làm náo loạn cả một góc
chợ. Mọi người xúm lại. Có cả trăm câu hỏi cùng một lúc nhao nhao lên:
"Ăn cắp hả?"
"Ăn cắp hả?"
"Đánh bỏ mẹ nó đi. Không chịu lao động gì, chỉ ngồi không ăn bám!"
Sự ồn ào ấy trong khoảnh khắc đã thu hút mấy đồng chí làm an ninh ở
quanh chợ. Một người xông tới, phụ với người đàn bà giữ cứng thêm một
cánh tay nữa của thiếu nữ. Tóc của nàng bây giờ xổ tung. Hai chiếc khuy
áo trên ngực cũng bị banh ra. Nhưng thiếu nữ không nhìn thấy gì, không
phân biệt được gì trước khung cảnh hỗn độn ồn ào trước mắt. Nàng nghĩ
đến hai em đang còn ở nhà. Nàng nghĩ đến cặp mắt dữ dội của thiếu phụ.
Nàng nghĩ đến cái áo tây vàng và hình ảnh của con cóc dẹp lép bầy nhầy.
Tất cả ùa đến thật nhanh, choáng ngộp hết đầu óc nàng, và nàng để mặc
cho mọi người lôi mình đi như lôi một con vật.
Tới đồn công an, người đàn bà trung niên khai rành rọt:
"Thưa các đồng chí, tôi vừa chôn chồng được đúng năm ngày. Tất cả
giấy tờ khai báo, thủ tục tôi còn giữ đầy đủ cả ở đây. Trong lúc khâm liệm
cho chồng tôi, tôi có để cho ông ấy một chiếc áo tây vàng. Chiếc áo này
đây. Nó quen thuộc với gia đình tôi từ mấy chục năm nay. Tôi có thể chỉ ra
rất nhiều dấu vết mà tôi đã thuộc nằm lòng. Vậy mà hôm nay đi chợ, tôi
thấy cô này đứng bán đúng cái áo đã chôn theo chồng tôi. Nhờ các đồng chí
điều tra hộ, cái áo ở đâu ra? Làm sao cô ta có được cái áo đó?"