mai là những thứ này sẽ tới tay nó. Bây giờ bà mới hối tiếc rằng đã không
cố nhín để ấn thêm vào bị cho nó ít phong bánh đậu xanh, vài gói trà. Ước
gì qua năm mới bà sẽ khá hơn. Nếu khá hơn nó sẽ có đủ thứ. Nhưng cái bị
của bà đã căng đầy, và trở nên quá đồ sộ so với đôi vai gầy còm yếu đuối
của bà. Ngồi nghỉ ngơi một lát, nhìn nắng đổ xế ngang đầu, bà vội vã đứng
dậy. Bà xốc cái bị lên vai. Sức nặng của nó như làm một bên mái tóc của bà
thêm rí xuống. Bà nhìn ra con đường mòn trước mặt. Có những đám cỏ bị
nhiều dấu chân dẫm nát, điều đó chứng tỏ đã có nhiều người đi qua trước
dó. Cấp này gần Tết, vợ con sĩ quan cải tạo đi thăm nuôi nườm nượp. Nếu
bà bắt kịp để nhập bọn thì chắc là vui. Họ đi rải rác từng nhóm len lỏi qua
những đồi dốc chập chùng. Ai cũng ốm yếu mệt mỏi, nhưng ai cũng cố
gắng tha đi cho thật nhiều đồ, thăm nuôi được lần này, biết rồi có còn lần
sau? Sự hy sinh và nhẫn nhục của những người phụ nữ Việt nam thật là vô
bờ. Của một đồng nhưng công hằng ngàn nén bởi vì đường đi quá gian nan.
Một chặng đường xe đò. Rồi một chặng xe lam. Một chặng nữa xe ôm.
Cuối cùng là con đường phi cuốc bộ thăm thẳm mịt mù đi qua những cánh
đồng cháy nắng, những đồi trọc hoang vu đầy hố bom với những đống sắt
hoen rỉ rải rác, và một cánh rừng âm u ẩm thấp với nhiều gai góc. Vượt
qua, vượt qua hết dù chỉ bằng những đôi chân nhỏ bé, gầy còm run rẩy trên
những bụi gai, quần áo lấm lem tơi tả, những gói đồ cồng kềnh xô tới, xô
lui trên từng đôi vai đã bị cứa xé đến tím bầm. Nhưng có trở ngại nào ngăn
được tấm lòng sắt son của người đàn bà Việt nam trên đường tìm đến với
chồng con.
Trời đã quá trưa rồi. Bà lão tiếp tục chệnh choạng bước. Như một con
kiến kiên nhẫn tha đi bằng được miếng mồi của mình, bà cũng lầm lủi tiến
sâu vào con đường mòn. Đi một quãng lại nghỉ một lần rồi lại tiếp tục đi
nữa. Bà đã băng qua những mô gò khấp khểnh, lặn lội dưới những vũng
nước bùn,chập chững dẫm lên những mớ cỏ gai cứa xước nát hai bàn chân.
Bây giờ thì bà đã đứng được ở dưới một đám tàn cây che rợp. Quốc lộ đã
biến mất sau những rặng đồi. Phía trước mặt hiện ra một căn chòi nhỏ. Đây
là địa phận cuối cùng mà dân chúng địa phương cư ngụ. Phía bên kia là bìa