Điểm Hẹn
H
ạnh kéo xích chiếc ghế mình đang ngồi để lấy thêm một khoảng đủ
rộng cho người mới tới. Dáng dấp của cô ta có vẻ trẻ trung. Nhưng đến khi
cô ta ngồi xuống chiếc ghế thấp để cho ánh sáng tù mù của ngọn đèn hoa
kỳ cháy leo lét đặt trên mặt chiếc bàn gỗ của bà cụ bán hàng chiếu lên nửa
khuôn mặt, thì Hạnh lại thấy cô ta còn trẻ tuổi hơn nữa. Mười chín. Hai
mươi. Cùng lắm thì cũng chỉ tới hai mươi mốt, nhưng Hạnh nghĩ là cô bé
không thể quá hai mươi, bởi vì cung cách đánh phấn vụng về và làn môi tô
lên một màu son quá đậm đã khiến cho cô bé già đi thêm một vài tuổi. Có
vẻ như cô ta mới chỉ lui tới địa điểm này một hai lần dầu. Cái cung cách
ngồi trên chiếc ghế gỗ còn rụt rè, hai bàn tay khép nép dấu ở giữa hai đầu
gối và nhất là ánh mắt của cô bé, dù chỉ trong một cái nhìn thoáng, Hạnh
cũng đã thấy được tất cả những vẻ bối rối, sượng sùng. Cô bé này là người
khách thứ ba của bà cụ bán hàng, sau Hạnh và một thiếu phụ trung niên từ
nãy đến giờ vẫn ngồi như một pho tượng bất động mà khuôn mặt chìm sau
bóng tối của cái phích nước cao in qua ánh đèn dầu. Hạnh có cảm giác như
đang đối diện với một vực thẩm thật sâu, ở trong đó là cả một sự đổ vỡ đau
thương cùng cực in hằn lên khuôn mặt khắc khổ và lạnh lùng đến độ ghê
rợn của thiếu phụ. Hạnh không dám quan sát bà ta dù chỉ trong vài giây
đồng hồ.
Đó là hiện thân của sự suy sụp mọi mặt trong tâm hồn. Hạnh có cảm giác
như mỗi lần mình chạm phải ánh mắt bất động của bà ta, thì chính tâm hồn
của Hạnh cũng bị run rẩy vì những ý nghĩ đau thương chất chứa trong tâm
trạng của bà. Hạnh không lạ lùng gì về những tâm trạng đó. Sau ngày miền