Rồi mỗi lần đi ngang qua khu đầu ngõ để trở về nhà, chàng lại phải nghe
lời nhắc nhở của ông Tổ trưởng Dân phố:
- "Anh Ba có giữ loại sách nào của Ngụy thì nhớ đem nộp hết đi nghe.
Sắp hết hạn rồi đó".
Suốt ngày Ba Sinh lúc nào cũng như người lên cơn sốt. Chàng đóng kín
mít các cửa lại và ngồi thừ hằng giờ trước những kệ sách. Ba Sinh cảm thấy
những nhân vật với từng cuộc đời riêng tư gói ghém trong mỗi cuốn sách
bỗng trở nên biết xao động, biết bối rối, nhớn nhác như những linh hồn có
thật đang nhốn nháo trước biến cố kinh hoàng sắp tới. Chàng hình dung ra
được từng nhân vật của Duyên Anh, cảm thông sâu xa với những con người
sống động trong tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ. Trong một biến cố phũ
phàng đảo lộn mọi sinh hoạt trong đời sống, tất cả những nhân vật đó tưởng
sẽ tồn tại mãi mãi như những con người bất tử thì đột nhiên đồng loạt bị lên
án tử hình. Những trang sách bị xé nát. Những cuộc đời bị cắt vụn tả tơi,
trang sách của cuốn này nằm cạnh trang sách của cuốn khác. Và cả thế giới
riêng của sách sẽ bị xáo trộn lên, đánh lộn ngầu như một nồi cháo lú, tan
nát, rã rời. Rõ ràng là đã có một cuộc sụp đổ toàn diện của thế giới sách,
cũng như ở bên ngoài, mọi cơ cấu của xã hội cũng theo nhau mà sụp đổ.
Trong cái tâm trạng đau thương đó, Ba Sinh không thể nào có can đảm dỡ
các kệ xuống để liệng các cuốn sách vào những bao tải mang đi nộp. Chàng
đã bị tê liệt hoàn toàn khi chỉ cần nghĩ rằng mình sắp sửa phải làm công
việc đó.
Ông Tổ trưởng dân phố thì mỗi lúc mỗi thôi thúc sát sạt hơn theo kỳ hạn
nộp sách sắp gần kề. Một buổi trưa trước ngày mãn hạn, ông ta chận cái xe
của Ba Sinh ở ngay đầu ngõ và nói bằng giọng nửa như ân cần thân mật,
nửa dọa nạt:
- Sao tôi chưa thấy anh Ba đi giao nộp sách? Tiếc nó làm chi anh Ba!
Cách mạng về rồi, nay mai thiếu gì sách hay để mà đọc. Còn lưu luyến
những thứ đó, tôi thấy sẽ mệt lắm đó anh Ba à! Đi họp với "trên"về, tôi biết
không phải chuyện giỡn chơi đâu.