- Thưa cô, bài tháng hai làm rồi.
Thanh quay lại quắc mắt :
- Làm rồi, làm nữa !
Thế là cả lớp ồn lên vì những tiếng mở cặp, lục vở và xé giấy xoèn xoẹt.
Thanh liếc ra phía cửa sổ. Bà Hiệu phó đã bỏ đi, nhưng mấy tên quàng
khăn đỏ vẫn còn đó. Thanh cảm thấy nhẹ nhõm đi phần nào, và nàng quay
lại viết liếp lên bảng: "Vẽ hình cá chép và bộ phận hô hấp của nó. Trình
bầy công dụng của bong bóng cá".
Một đứa học trò lém lỉnh cất tiếng đùa ở bàn gần đó :
- Hôm nay ông Táo lên chầu Trời, cô cho vẽ cá chép đó mày !
Có tiếng cười rúc rích nhỏ nhẹ. Thanh cũng cảm thấy buồn cười, nhưng
cố làm ra vẻ mặt nghiêm nghị để không cho lũ ranh lờn mặt. Tuy nhiên câu
nói đùa của chú bé lôi Thanh một lần nữa trở về những ý nghĩ của ngày
Tết. Hôm nay hai mươi ba tháng chạp rồi. Mọi năm trước khi mất Sài gòn
thì giờ này thành phố đã nhộn nhịp bầu không khí sửa soạn đón Xuân.
Nhưng kể từ đó, mùa Xuân không còn trở lại với người dân Sài gòn. Không
khí ngày Tết, cứ mỗi năm lại tẻ nhạt dần đi. Tết năm ngoái, Tết Kỷ Mùi mà
Thanh và Hồng vẫn gọi với nhau là Tết năm Củ Mì vì bữa ăn độn, phần
độn cứ ngày một gia tăng. Sáng mồng một, Thanh lôi bài học trò ra chấm
rồi uống trọn một chai bia để ngủ vùi. Chai bia này là khẩu phần của giáo
viên được mua vào dịp Tết. Thanh chưa bao giờ uống bia, và lần đó, Thanh
đã uống như một sự đầy đọa chính mình. Men bia có nhiều vị cồn đốt.
Thanh đã ngủ vùi sau đó và đến lúc tỉnh dậy thì trời đã tối mù. Thế là qua
ngày mồng Một và hết Tết. Năm nay càng không có lý do để cho Thanh
chờ đợi Xuân về, nhưng kỷ niệm ngày xưa vẫn làm nàng thổn thức. Nàng
nhớ đến những buổi đi chơi chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ, đến đêm ba
mươi đi lễ Lăng Ông, và xin thẻ, hương ngào ngạt. Năm nào Thanh cũng
ghé xem một quẻ bói, và năm nào thầy bói cũng đoán Thanh sẽ có hỷ tín
trong năm mới. Nhưng tình yêu đã theo Hoàng nằm yên trong Nghĩa Trang
Quân Đội và kể từ đó Thanh chỉ sống âm thầm với kỷ niệm. Thầy bói đã
đoán sai, nhưng Thanh vẫn đi xem bói. Không phải để chờ đợi một điều gì