- Ai đó?
Có tiếng khóc nức nở vang lên thay cho câu trả lời. Lão vội vã móc túi
lấy bao diêm rồi xòe lên. Ánh sáng bùng lên trong chớp mắt rồi teo lại.
Nhưng thời gian khoảnh khắc ấy thừa đủ để lão nhìn rõ khuôn mặt của
người đàn bà đối diện. Lão chết lặng người đi như chính lão cũng vừa bị
bắt quả tang trong một hành vi tội lỗi.
Người đàn bà mà lão vừa nhận diện chẳng phải ai xa lạ trong khu vực
này. Ngày trước chồng bà ta là sĩ quan làm việc trong một Quân Y viện ở
gần đó. Cái Quân Y viện mà, dù không phải quân nhân, lão cũng đã được
cấp tốc đưa vào để được cấp cứu một lần. Lão Quới không bao giờ quên
được khuôn mặt khả ái của người sĩ quan trẻ tuổi, xông xáo khắp các
phòng, vượt qua mọi thủ tục để có thể giúp đỡ lão vượt qua cơn hiểm
nghèo.
Sau này khi xuất viện, lão đã dẫn vợ tới khu gia binh để cả hai cùng chắp
tay cảm ơn. Người đàn ông mỉm cười xuề xòa và không để cho lão mở
miệng nói dài dòng. Ông ta lúc nào cũng bận rộn, kể cả sự bận rộn lâu lâu
lại chở vợ con ngồi đầy nhóc trên chiếc xe jeep lùn chạy từ khu gia binh lên
phía chợ.
Dưới mắt mọi người, đó là một gia đình tràn ngập hạnh phúc với người
vợ trẻ tươi tỉnh như hoa và năm sáu đứa nhỏ kháu khỉnh như một bầy gà
con lít nhít. Nhưng rồi cơn đại họa đã ùa tới. Người chồng lên đường đi
"cải tạo", vợ bị đuổi ra khỏi khu gia binh, kéo một bầy con nheo nhóc ra bãi
hoang sống dưới túp lều lụp xụp với những người cùng chung cảnh ngộ.
Từ một bà đại úy trở thành một kẻ xé rào đi ăn trộm, dưới ánh sáng hiu
hắt của một que diêm, tuy chỉ bị soi mặt trong khoảnh khắc nhưng cũng đủ
xấu hổ cả một đời người. Có lẽ vì thế mà bà ta khóc to hơn. Tiếng khóc làm
lão Quới bối rối. Lão không biết phải làm gì trong hoàn cảnh này.
Vừa may lúc đó có ánh đèn tù mù của vợ lão từ trong nhà đi ra. Bà lão
xăm xăm đi xuống phía cuối vườn. Làn ánh sáng đỏ đòng đọc tỏa ra hai
bên làm héo úa lớp lá khoai xanh mướt ở những chỗ bà đi qua. Lúc tới gần,
bà giơ cao cây đèn lên nhìn về phía lão Quới. Ánh đèn bây giờ soi rõ người