trí chiếu bí kẻ khác, nếu không bận việc ăn uống thì cũng đang lo về
chuyện vợ con.
Đến ngày thứ mười một thì quan Lệnh Trấn biết rằng có loài thủy quái xuất
hiện trên sông nhưng quên mất khu ấy là ở sông nào. Qua ngày mười hai
quan mới sực nhớ là miền Dương Châu đang có thủy quái. Biết chắc thủy
quái không sao bò đến tư thất của quan, nên quan cho rằng thủy quái là loại
vô hại.
Trong khi ấy thì chợ búa ở miền Dương Châu không có người đi. Đò ngang
qua lại trên sông phải đành gác mái. Những người thuyền chài thơ thẩn trên
bờ ngơ ngác nhìn nhau. Từ sáng đến chiều, ông cụ Thiên Hộ đội chiếc nón
rách lê cây gậy tre lò dò đi dọc con sông chú tâm theo dõi mọi sự xuất hiện
của loài quái vật.
Dân Dương Châu sống trong tình trạng chờ đợi, lo âu, dần dần cảm thấy
hốt hoảng vì nạn đói đã lảng vảng đến gần.
Một tối ông cụ Thiên Hộ lê gậy đến nhà Lý trưởng Hà Huy. Ông cụ bảo :
- Mong ông hãy vì trăm dân mà lên nói với quan trên giúp cho phương thế
đối phó việc nầy.
Hà Huy, vì chợ búa mấy hôm không nhóm, chẳng có cá ăn nên cứ ăn mãi
thịt gà, lấy làm bực lắm, vừa xỉa răng một cách hậm hực, vừa đáp.
- Chém cha cái loài thủy quái ! Nó cứ cố tình ở mãi nơi đây đợi cho nuốt
hết bao nhiêu tôm cá rồi mới đi chắc ?
Ông cụ Thiên Hộ tiếp lời :
- Tôi xem cái thế nó còn ở lâu chớ chẳng chịu rời bỏ đi nơi khác.
Ngày xưa, gặp năm đại hán tôi đã thấy rõ con sông có nhiều hốc sâu có thể
làm nơi sào huyệt rất tốt cho loài thủy quái. Nay cứ theo cách ẩn hiện của
nó thì con thủy quái xem chừng quyết định ở luôn tại vực sông nầy. Nếu nó
cố tình ở lại thì không những cá tôm ta chẳng có để dùng mà nạn đói kém
đe dọa một mai, thì rồi loạn lạc xảy ra không nhỏ.
Lý lẽ của Thiên Hộ làm cho Hà Huy suy nghĩ... Tôm cá rồi đây chẳng có,
chả lẽ gã phải dùng luôn một món thịt sao ? Dân tình loạn lạc kéo đi nơi
khác thì lấy ai mà đóng thuế mỗi mùa ? Giặc giã nổi lên, nếu cần tiếp tế
lương thực thì chắc chúng sẽ tìm đến kho lúa gần nhất là nhà Hà Huy...