Khải Hòa mang lên kinh đô một thuyền lê, táo để làm quà tặng người thân.
Khải Hòa có dịp ra chốn kinh kỳ, ở nhờ nhà An Dương Hầu là chỗ thân
tình với Vương phủ Thạch. Tại đây anh được có dịp làm quen với một nô tì
là nàng Bạch Tuệ, nhưng vì cùng trong cảnh ngộ nghèo nàn nên họ không
thể thành vợ chồng.
Ba năm sau, kinh thành có loạn, gia đình An Dương Hầu phải chạy trốn về
quê tạm ẩn ở nhà họ Vương. Nàng Bạch Tuệ lại gặp Khải Hoà. Hai người
bày tỏ nguyện vọng lên chủ của mình và cả hai đều được như nguyện.
Vương phủ Thạch nghĩ rằng cưới vợ cho Khải Hòa trong tình thế nầy ông
đỡ rất nhiều tốn kém, còn An Dương Hầu nhận thấy cho nàng Bạch Tuệ lấy
chồng mình sẽ có thêm một người lực lưỡng giúp việc.
Được hai năm, Bạch Tuệ đẻ một đứa con trai, và đặt tên là Khải Hùng. Qua
năm thứ tư thì loạn kinh thành dẹp yên và An Dương Hầu trong lúc trở về
chốn cũ bắt nàng Bạch Tuệ đi theo. Còn Vương phủ Thạch nhất định giữ
Khải Hòa ở lại. Hai vợ chồng không dám cưỡng lại lệnh trên, chỉ biết nhìn
nhau mà khóc. Nàng Bạch Tuệ trao con cho chồng rồi đi theo chủ. Từ đấy
Khải Hòa không còn dịp nào lên kinh kỳ. Anh an phận nuôi con, thỉnh
thoảng chỉ mong gặp nàng trong giấc chiêm bao.
Cụ Thiên Hộ là người sống cô độc và nghèo nàn. Cụ câu cá độ nhựt và đối
xử tử tế với hết thảy mọi người. Cụ từng trải việc đời, có nhiều kinh
nghiệm vì trước kia cụ đã lưu lạc nhiều nơi, làm được nhiều nghề. Những
người nghèo khổ ở Mai Gia Trang khi gặp nguy khốn đều tìm đến cụ Thiên
Hộ như tìm một sự an ủi, một mối giải nguy.
Gã Thiện Hải ngồi im giây lâu, nhìn Khải Hòa đang dồn nén trong sự bất
bình rồi nói :
- Làm sao bây giờ ? Không thể kiếm ăn ở trên đồng ruộng thì phải chạy
xuống dòng sông, nay dòng sông lại bị loài thủy quái chiếm đoạt biết chạy
lối nào ? Năm nay chắc có sự gì kỳ lạ cho nên phát sinh lắm điều quái đản,
có phải thế không ?
Cụ Thiên Hộ đáp :
- Trời đất xưa nay đều biến hóa theo lẽ bình thường và vô thường. Khi
không còn sự điều hòa là đến những điều ách biến, có gì là lạ ? Đất lở, trời