- Thực là một việc buồn cười. Thuở nhỏ ta có được học ít nhiều mà bây giờ
đã quên mất, nghe bao nhiêu văn chương phú lục cũng chẳng biết gì, thì
loài thủy quái xưa nay chưa từng cắp sách đến trường làm sao thưởng thức
cho được từ điệu cao xa của quan Lệnh trấn ?
Thiện Hải có vẻ hoài nghi, hỏi lại :
- Thế sử sách chả nói chuyện ông Hàn Dũ đấy sao ?
Cụ Thiên Hộ cười nhạt rồi trả lời :
- Chuyện ông Hàn Dũ có lẽ là chuyện có thật, song ta là kẻ dốt nát ta chỉ
hiểu rằng một lẽ vì con sấu ngày xưa nhân mùa nước lớn đi lạc vào một con
sông quá cạn, đến khi nước rút nó phải bỏ đi, hai lẽ là con sông ấy có thể ít
mồi tôm cá, không có thức ăn, nó phải chạy về nơi khác, ba lẽ là khi cầu
đảo, tế lễ, người ta khua trống, dộng chiêng, reo hò ầm ĩ khiến loài quái vật
khiếp đảm mà lui. Chứ bảo văn chương ông Hàn Dũ tài hoa điêu luyện làm
cho cá sấu động lòng thì chỉ có lũ trẻ con mới tin như thế. Nay con sông
Dương Châu bề trong thì sâu, bề ngoài thì cạn, lại thêm đất bồi cơn lụt vừa
qua đắp thêm ngọn ngoài khiến loài quái vật khó bề chạy đi nơi khác thì
đừng nói đến một bài văn tế, cho đến ngàn bài cũng chẳng ích gì.
Thiện Hải suy nghĩ giây lâu, rồi hỏi :
- Thế thì đành chịu hay sao ?
Cụ già đanh thép trả lời :
- Chịu làm sao được ? Văn chương của quan không đuổi được nó thì sức
lực của dân phải giết chết nó.
Thiện Hải gặng hỏi :
- Biết ai là kẻ có tài ?
Cụ già trừng mắt :
- Hừ, biết ai là kẻ có tài ! Chính thế, cứ ngồi mà đợi thì chẳng kẻ nào là bậc
có tài. Ta đây cả đời chỉ thẩy có làm rồi mới phát hiện tài năng, chứ không
phải cần sắm đủ tài năng rồi mới chịu làm. Một là chịu bại thì không có tài,
hai là muốn thắng thì tất có tài, lẽ đời xưa nay vẫn thế. Rồi nhà ngươi xem,
giết con thủy quái Dương Châu đều là những kẻ xưa nay bị xem như bọn
vô tài !