Vương, Khải Hùng thấy rõ được mọi sự biến chuyển ở trong tình thế lúc ấy
và trao dồi được bản lãnh hơn người. Nhiều lần Khải Hùng muốn về
Dương Châu thăm lại quê hương xưa nhưng cụ Thái Hòa không chịu cho
phép, bảo rằng phải dẹp những mối cảm tình phụ thuộc thì mới có thể tập
trung ý chí mưu đồ việc lớn. Dần dần thế lực của Vương Thái Hòa càng
ngày càng bành trướng mạnh, khắp nơi hào kiệt anh hùng kéo về mỗi lúc
một mạnh. Đất đai trên núi được khai phá thành miền trồng trọt phì nhiêu,
thành những khu vực chăn nuôi rộng lớn. Từ trong lòng núi ra đến bên
ngoài được bảo vệ bằng những thành lũy thiên nhiên và cứ một đợt thành
trì lại có lớp người trấn thủ, ban ngày thì sản xuất, ban đêm thì luyện tập võ
nghệ.
Cụ Vương Thái Hòa bảo rằng :
- Ta không lấy sự cố thủ làm chính nhưng phải có chốn tựa nương chắc
chắn để mà xuất phát ban đầu, mới bảo toàn được lực lượng. Sau nầy, chỗ
nương tựa ấy là lòng muôn dân. Được dân đùm bọc, chở che, ấy là tường
đồng vách sắt. Bây giờ phải cố làm sao cho thành một nơi bất khả xâm
phạm, hễ một kẻ nào không phải trong bọn chúng ta tự nhiên đột nhập đều
có thể sa vào cạm bẫy hiểm nghèo.
Một hôm xuống dưới chân núi, Khải Hùng nhìn thấy đàng xa một người
đang quẩy gánh củi, mệt nhọc đi trên đường đá nhấp nhô. Một lát người ấy
ngã khuỵu xuống, thả rơi gánh củi bên đường. Khải Hùng chạy đến, lấy
một cụ già râu tóc bạc phơ, áo quần rách rưới, đang nằm mê man bất tỉnh.
Cúi gần, Khải Hùng giật mình, kêu lên :
- Cụ Thiên Hộ !
Rồi chạy đi tìm nước suối về đắp mặt cho cụ và đưa cụ vào nghỉ trong một
bóng mát. Giây lâu cụ Thiên Hộ mở choàng mắt ra và nhìn trừng trừng vào
mặt Khải Hùng không chớp. Khải Hùng nói :
- Cụ quên cháu rồi sao ? Khải Hùng đây mà !
Cụ già bỗng ứa nước mắt, run rẩy mím lại đôi môi già nua để khỏi cất lên
tiếng khóc. Lâu lắm cụ mới kêu lên :
- Khải Hùng ! Cháu đã đổi khác quá nhiều, làm sao mà cặp mắt gần mờ của
ta có thể nhận ra cho kịp. Chao ôi ! Thời gian quá sức vội vàng. Mới cái