Tiết Cương lập tức truyền quân sĩ bắt lại, giả vờ không biết, lớn tiếng
mắng:
- Ngươi là ai mà dám lén lút đến đây do thám việc luyện võ của chúng ta?
Khi nghe Trương Bảo cho biết họ tên, Tiết Cương cau mặt nói:
- Lẽ nào tể tướng lại có đứa con như ngươi. Ngươi dám mạo nhận thì tội
càng nặng thêm một bậc.
Nói xong, Tiết Cương truyền quân sĩ đè Trương Bảo ra đánh bốn mươi roi.
Trương Bảo bị trận đòn này rách da nứt thịt, đau đớn vô cùng phải nhờ gia
đinh cõng về khóc với phụ thân. Trương Quân Tả nổi giận lập tức vào triều
tâu với Cao tông nhưng nhà vua hờ hững phán:
- Giáo trường là nơi để cho con cháu hai mươi bốn phủ quốc công đến
luyện tập, con của khanh là quan văn thì đến đó làm gì? Chẳng phải tự
mình gây sự hay sao?
Hai cha con Trương Quân Tả nghe vậy hết sức nổi giận, hậm hực lui về tìm
dịp khác báo thù. Nhờ vào triều nhiều lần nên Võ hậu có dịp nhìn thấy
Trương Bảo, liền xin với Cao tông cho mình nhận làm nghĩa tử, thật ra là
thừa cơ gần gũi thông dâm với nhau. Dần dần việc này ai cũng biết trừ Cao
tông ra. Cao tông say mê Võ hậu đến nỗi sức lực cạn kiệt, đi đứng rũ rượi,
chẳng còn muốn ra triều lo việc chính sự nữa, bá quan hết lời can nhưng
chẳng có tác dụng gì. Võ hậu vốn dâm dục, thấy nhà vua không thể thõa
mãn cho mình được thì càng thêm lộng hành, thông dâm với không biết bao
nhiêu người, sau đó còn can thiệp cả vào triều chính nữa.
Thấy Cao tông việc gì cũng chiều chuộng, Võ hậu đưa luôn Trương Bảo,
Trương Xương Tông, hoà thượng Vương Hoài Nghĩa vào cung hầu hạ
mình mà nhà vua cũng không có ý kiến gì. Từ Kính Nghiệp quá bực bội
việc ấy, ngày đêm đi tuần phòng cung cấm rất nghiêm ngặt, tức thì bị Võ
hậu tâu với Cao tông đi sai trấn thủ biên cương. Tiết Đinh San thấy việc
triều chính quá suy đồi rối loạn liền dâng sớ xin về Sơn Tây phụng dưỡng
mẹ già.
Được Cao tông chuẩn tấu, Tiết Đinh San chỉ để lại mấy trăm gia tướng săn
sóc vương phủ, còn mình và gia quyến đến từ giã Trình Giảo Kim rồi lên
đường đi ngay. Gia đình sum họp đông đủ càng khiến cho Liễu thái vương