hàng sách cũng thật dễ chịu. Chúng tôi ngồi ở góc cà phê Starbuck của tiệm
sách nơi mùi cà phê nóng và thơm thoang thoảng, xung quanh là tiếng rì
rầm nho nhỏ của những người trò chuyện mà không muốn làm ảnh hưởng
đến người đọc sách. Cửa hàng rộng, rất đông người nhưng rất yên tĩnh,
sách được xếp theo từng chủ đề như đương đại, cổ điển, khoa học, thể thao,
du lịch, nấu ăn, thương mại, máy tính, tiểu thuyết lãng mạn trên từng dãy
giá gỗ, ánh đèn ấm áp vừa đủ sáng trong tiếng nhạc chơi tươi tắn, êm đềm,
người đi lại mải mê ngó các giá sách, hoặc ngồi bệt xuống đất mải mê đọc.
Trong lòng tôi cửa hàng sách luôn là một nơi kì thú, mở ra một thế giới
tưởng tượng vô tận, một nơi mà tôi bao giờ cũng thấy hạnh phúc khi tới
thăm. Vì vậy, dù cửa hàng sách không phải của riêng mình nhưng lòng vẫn
rất hào hứng giới thiệu với bạn bè, như muốn khoe một địa điểm đáng yêu
mà mình biết, và muốn họ cũng thấy sự tuyệt vời của nó.
Không hiểu người Ý đã chờ bao lâu, nhưng khi tôi bước vào cửa hiệu sách
đã thấy anh ngồi đó với một cuốn sách trên tay. Thấy tôi, anh vội đứng dậy:
- Chào em.
- Anh tới lâu chưa?
- Anh cũng mới tới thôi. Anh có cuốn sách này tặng em.
- Ồ, cám ơn anh. Nhưng em không có gì tặng anh cả.
- A, không cần đâu. Đừng suy nghĩ về điều đó.
Đó là cuốn “Người giả kim” của tác giả Brazil Paulo Coelo. Lúc đó, tôi
không hề biết rằng đó là một cuốn sách nổi tiếng trên thế giới. Tôi rất ngạc
nhiên vì hành động bất ngờ này bởi đây mới là lần hẹn thứ hai, và tôi không
trông đợi bất cứ điều gì từ anh, nhưng rồi cũng không suy nghĩ gì thêm.
Sau này nhớ lại, tôi mới hiểu Guliano có lẽ suy nghĩ nhiều trước khi làm
việc đó. Có lẽ vì tôi hẹn anh ở cửa hàng sách, nên anh đoán là tôi thích
sách, nên mua một cuốn sách nổi tiếng tặng, mong rằng tôi sẽ vui lòng,
mong sẽ chiếm được cảm tình của tôi. Quả là người Ý lịch sự, khéo léo,
muốn chiều chuộng phụ nữ. Tiếc rằng, lúc đó tôi không hiểu ra khía cạnh tế
nhị đó.