“Tôi mệt với những nhiệm vụ của cô rồi,” anh ta nghiến răng.
“Tốt thôi.” Tôi đặt hộp trứng lên bàn và ra khỏi bếp, về phòng. Dù
tôi rất muốn khóa cửa lại nhưng tôi không thích thông điệp được gởi
đến anh ta qua hành động đó. Thay vì vậy, tôi ngồi lên tấm chăn
Người Nhện và nhìn chằm chằm vào bức tường dán giấy hình hoa
mộc lan, vào bóng trăng soi vào phòng từ ô cửa sổ lắp thanh chắn ô
vuông của tôi và cố nghĩ xem tiếp theo phải làm gì. Tôi có một nhiệm
vụ vô cùng to lớn trước mắt mà không biết phải tiến hành thế nào.
Bằng cách nào đó, tôi cần phải đưa anh ta đến gặp một chuyên gia tâm
lý. Tôi nghĩ về những cách buộc anh ta phải đi. Có thể là giả vờ đi đâu
đó rồi chạy đến phòng khám chăng? Nhưng nếu tôi lừa anh ta, anh ta
sẽ mãi mãi đánh mất lòng tin nơi tôi. Rồi anh ta sẽ không nhờ tôi giúp
anh ta nữa vì tôi vậy là vô dụng rồi.
Lần đầu tiên kể từ lúc tôi đồng ý thực hiện thử thách này, tôi bắt đầu
nghĩ có thể mình sẽ không làm nổi. Nghĩ về việc anh ta tự tử cũng đủ
khiến tôi phát ốm và phải chạy vào phòng vệ sinh, đóng cửa lại. Trong
khi quỳ ở đó, tôi nghe tiếng anh ta rên rỉ như bị đau, như bị đấm. Giật
mình, tôi tỉnh người lại, vỗ nước vào mặt và vội chạy ra ngoài. Đến
cửa bếp, tôi dừng lại. Anh đèn sau lưng tôi rọi ra ngoại khu vườn tối
thui vốn đã bị bỏ mặc từ khi bà cô Christine ưa làm vườn của tôi qua
đời. Giờ ngoài đó chẳng có gì ngoại trừ một thảm cỏ hình chữ nhật
dài, cả chục năm rồi không được ngó ngàng gì tới mấy, nhất là trong
những tháng mùa đông này. Tôi nhớ bà cô thường cho chúng tôi ăn
dâu tây hái thẳng từ dưới luống lên, những bông hoa ăn được, tỏi dại
và bạc hà, mà chúng tôi ăn vì tình cảm với bà hơn là vì thấy ngon. Tôi
có thể hình dung ra bà đang hái phúc bồn tử để làm mứt, chiếc mũ
rơm rộng vành để che nắng, làn da nhăn nheo từ cổ đến ngực, chùng
lại và đung đưa khi bà làm việc, vừa làm vừa giải thích bằng giọng
khàn khàn hết hơi vì bệnh thũng. Từ đó tới nay khu vườn đã thay đổi
rất nhiều nhưng những ký ức đó vẫn nằm sâu trong một góc tâm hồn