Trước những sự càu nhàu của mẹ tôi, cha tôi chẳng hề phản ứng, chỉ trầm
mặc và chẳng nói một lời. Sau đó, cha tôi lại lén đi uống rượu. Tôi khuyên
ông chớ nên tiếp tục uống nữa, vì bác sĩ đã cho biết ông bị chứng áp huyết
cao, nhưng ông chẳng hề nghe tôi. Tuy vậy, tôi cũng không dám trách ông,
vì tôi biết rằng nếu ông không uống rượu thì tinh thần ông rất thống khổ.
Chỉ có rượu mới giúp ông quên được phần nào cái hoàn cảnh khó khăn
hiện tại.
Có một buổi tối nọ, mẹ tôi đi đánh mặt chược, cha tôi lại uống một lít rượu,
rồi cùng tôi và bé Hoài Trọng đi xem xuất phim 9 giờ rưỡi tối.
Phim hôm ấy rất hay, sau khi vãn hát, chúng tôi cười nói không ngớt và
cùng nhau đến trạm xe buýt để đón xe về nhà.
Cha tôi nói:
- Cha vốn không thích xem phim, nhưng vì thấy tâm tình của con không
được vui nên cha mới cùng đi với con vậy. Giờ đây thấy con đã tươi cười,
cha mừng lắm, cha chỉ sợ thấy con ủ rũ suốt ngày mà thôi.
Tôi tươi cười dìu cha tôi bước lên xe buýt. Vì lúc bấy giờ đang vãn hát nên
người ta đi xe rất đông, phải chen lấn nhau mà lên xe. Cha tôi vốn già yếu
nên bị người ta chen lấn ngã dưới đất. Tôi hốt hoảng vội đỡ ông dậy, nhưng
ông vẫn nằm bất động trên lề đường.
Tôi kinh hãi, la hét om xòm, nhưng thiên hạ chẳng ai buồn để ý đến cha tôi
cả. Bé Hoài Trọng cũng khiếp đảm, bấu chặt lấy vai tôi và khóc thét lên:
- Mẹ! Mẹ Ơi!...
Nhưng thiên hạ vẫn chen nhau leo lên xe, chẳng một ai buồn giúp đỡ gì cha
tôi cả.
Sau đó, xe buýt chạy đi. Tôi lớn tiếng gọi:
- Cha ơi!
Nhưng cha tôi vẫn không một phản ứng nào. Chợt có một cảnh sát viên đi
tới, hỏi tôi:
- Có chuyện gì vậy?
Tôi vừa khóc vừa trả lời:
- Cha tôi đã bị người ta chen lấn đến té và đang hôn mê bất tỉnh.
Thế là người cảnh sát viên ấy vội vàng chạy đi gọi điện thoại cho xe cứu