lên tầng tám, kể cho nàng nghe về ca trực ở bệnh viện và thưởng thức đủ
các loại mùi vị bay ra từ các căn hộ mà họ đi qua. Nàng bước vào nhà tươi
cười. Mẹ nàng không hề để ý gì.
Nàng đã biết được tên anh, khi anh va chạm với ô-tô của Marta đang trên
đường đến lễ cưới.
Nếu Marta có thời gian và làm một trắc nghiệm về chỉ số tri thức của bản
thân, hẳn nàng có thể tự hào mà tuyên bố rằng nàng được kết bạn với một
phụ nữ trí thức nhất của phần lục địa này của châu Âu. Song Marta không
có thời gian cho việc đó, với lại việc đó đối với cô cũng chẳng có nghĩa lý
gì. Marta sử dụng vốn hiểu biết của mình chính là để sống với những cảm
xúc. Cô gái chân quê ấy – cô lên Krakow học đại học từ vùng Sekowa hẻo
lánh, nơi mà “chỉ có cha xứ quản hạt và người tình của ông ta mới có điện
thoại”, như chính Marta đã nói – bỗng chốc phát hiện ra thế giới. Sau một
năm học tiếng Anh, cô bắt đầu đồng thời học triết học. Cô “ngạt thở” với
cuộc sống ở Krakow. Không có bất cứ một sự kiện quan trọng nào ở opera,
ở nhà hát bảo tàng, phòng hòa nhạc giao hưởng và câu lạc bộ mà cô không
tham dự.
Và chính ở câu lạc bộ cô đã quen với một siêu nghệ sĩ mặc quần da. Hắn ta
đang học lại năm thứ ba Đại học Mỹ thuật, nhưng tác phong thì như thể
Anddy Warhol đang được hưởng học bổng nhà nước. Như Andy Warhol
vẫn chưa đủ, hắn ta còn là dân Vacsava gốc, điều mà mỗi khi có dịp hắn
đều nhấn mạnh. Krakow thì không còn biết nói gì. Phát điên lên và phủ
phục bởi một tài năng đã tới.
Nàng không thể chịu đựng nổi hắn ngay từ lúc Marta giới thiệu họ với nhau
trong xe buýt.
Hắn ngồi cấc lấc và nói bô bô về mình đến nỗi cả xe đều nghe thấy. Marta
đứng, nàng đứng và một bà cụ ho sù sụ chống gậy cũng đứng. Còn
war(c)hol này thì ngồi trong cái quần da đã sờn và diễn giảng về vai trò của
mình trong nghệ thuật hiện đại.
Nhưng Marta lại cho đó là rất tuyệt. Cô ta yêu. Hình như chỉ mang tính
“hóa học”, nhưng hậu quả thì lại rơi nước mắt. Cô chăm bẵm cho hắn bằng
tiền học bổng của mình, mua cho hắn hàng lít rượu từ những đồng tiền tiết