Tuy chưa bao giờ gặp những người ở Catarung, ông Frôngtơnắc vẫn đứng
về phía Lômêni. Song Frôngtơnắc là loại người dễ bốc máu. Ông thích sự
phi lý và phái yếu, ghét các tu sĩ dòng Tên; việc ông được đề bạt vào chức
thống đốc bang Canada đúng ra lại do bị thất sủng hơn là được nhận ân huệ.
Đức vua Lui XIV đã không tha lỗi cho ông vì tội đã tán tỉnh đờ
Môngtexpăng.
Tuy nhiên, là một chính khách giỏi khi cần quản lý một đất nước, ông đã
lập tức tin ngay vào con người mới xuất hiện. Người đó là Perắc, bị tố cáo
như là kẻ thù của Tân Pháp quốc. Frôngtơnắc tin, vì giống như ông, Perắc
cũng có một cái tên xứ Gátcônhơ, và vì ông ta cũng thu lượm những tin tức
về ông. Bá tước đờ Perắc là người giàu có; Frôngtơnắc thoáng nghĩ ngay tới
việc đề nghị với Perắc một số cam kết xác nhận tình hữu nghị của ông ta
đối với Tân Pháp quốc.. Vì thế ông đã cử Lômêni và tay Cavơliê đầy tham
vọng tới đây.
Nam tước Đácrơbuxt và Cha Maxêra cũng được cử đi theo họ với những lời
dặn dò đặc biệt của đức giám mục, nhằm tháo gỡ những nghi ngờ đang đè
nặng lên những kẻ không mời mà đến kia; nhất là xác định xem người đàn
bà đi cùng với những kẻ kia, người đàn bà mà mọi người bàn đến quá
nhiều, có đúng là
quỉ cái hay không.
Vậy mà giờ đây! Bây giờ họ đã ở đây, trong hang ổ của Vapaxu mà chẳng
thấy có điều gì xảy ra như đã dự kiến cả. Họ đã gặp nguy nan thực sự, một
sự phù phép chăng?
Ông nam tước Frăngxoa Đácrơbuxt cùng với cha Maxêra mà người ta đã
xếp cạnh bá tước đờ Lômêni cốt để theo dõi ông ta và cũng để xem xem
ông ta có ý kiến gì về vợ chồng bá tước đờ Perắc; ông, một người điềm
tĩnh, ngoan đạo, sống có nề nếp và khiêm nhường, luôn bận tâm đến sự cứu
rỗi của bản thân, đến sự tốt lành của đồng loại, của đất nước, giờ đây ông
lại chẳng thấy gì cả, chẳng đoán được điều gì cả.
Ông tỉnh dậy sau giấc ngủ tưởng đã ngàn thu của mình và bắt đầu sống,
nhưng lại theo một cách hoàn toàn khác: Không nghĩ ngợi. Có lẽ, cả đời
chưa bao giờ điều này xảy ra với ông.