Vụ cướp thật ra cũng không tác động gì nhiều đến cuộc sống bình thường ở
bên trong lâu đài. Dĩ nhiên, ông nội già nua của Angiêlic hay than phiền
nhiều hơn
trước về sự không thần phục của những người theo đạo Tin lành, về những
tao hoạ đã giáng xuống đất nước từ sau khi Đức vua nhân ái Angri đệ tứ
thất lộc.
Hôm đó, nghe ông nội phàn nàn như vậy Angiêlic và cậu anh Gôngtơrăng
đưa mắt nhìn nhau, vẻ đồng loã: công việc hiện nay quả là hoàn toàn vượt
ra ngoài tầm nhận biết của ông nội rồi!
Lũ cháu đều kính yêu cụ Nam tước già, nhưng ít khi chấp nhận những phán
xét lỗi thời của cụ. Cậu con trai, nay đã gần mười hai tuổi tròn, cả gan nhận
xét:
- Ông ạ, bọn cướp này đâu có phải dân Tin lành. Họ là những người công
giáo đã chuồn khỏi quân đội vì đói ăn, cùng với những lính nước ngoài
đánh thuê mà không được trả lương, chính họ nói vậy; hoặc giả họ còn là
những nông dân ở những vùng có chiến trận ấy.
- Nhưng cơn cớ gì bọn chúng kéo đến đây? Dầu sao ông cũng không tin
được rằng bọn chúng lại không được bọn Tin lành giúp đỡ. Đành rằng ở
thời ông, ông công nhận là quân đội trả lương cho lính ít tiền thật, nhưng
vẫn trả đều đặn. Hãy tin lời ông, tất cả mọi cái lộn xộn như thế đều là do
nước ngoài xúi giục, có lẽ là người Anh hoặc người Hà Lan đấy...
Thật khó mà hiểu rõ được anh chàng Gôngtơrăng: cậu ta ít nói và ưa ở một
mình. Không có gia sư kèm cặp mà cũng không được đến trường trung học,
cậu đành
bằng lòng với chút kién thức văn hoá sơ sài tiếp thu được của giáo viên tiểu
học và linh mục trong làng. Phần lớn thời gian cậu ta rút lui về góc riêng ở
gác xép của mình để nghiền những miếng đất sét pha màu, rồi đem dùng để
bôi vẽ những hình lỳ quái mà cậu gọi là "bức tranh" , "bức hoạ". Mặc dù
cũng cẩu thả đối với bản thân mình như tất cả đàn con Nam tước Xăngxê,
cậu ta hay chê trách em gái Angiêlic đi đứng như con trai, không xứng với
địa vị dòng họ.