- Cũng lơ mơ thôi.
- Rối ren nổ ra là hậu quả vụ bắt gian ông Brouxen. Ông này là thành viên
của Nghị viện. Ngài nhiếp chính hạ lệnh bắt ông ta vào một buổi sáng sớm,
khi ông ta đang uống thuốc. Dân chúng bất bình bắt đầu dựng vật chướng
ngại khắp các phố Pari.
- Thế Thái hậu và nhà Vua nhỏ tuổi ra sao?
- Thái hậu đã dành cho các ngài trong Nghị viện một cuộc đón tiếp đầy sự
khinh miệt, nhưng rồi cũng có nhượng bộ. Tuy vậy từ đó đến nay, những
tranh chấp vẫn chưa chấm dứt, chưa có hoà giải. Giông tố âm ỉ một thời
gian rồi bùng lên. Các quý ngài trong Nghị viện từ lâu đã cảm thấy là có
nguy cơ Thái hậu sẽ đưa đức Vua trẻ ra ngoài Pari, vì vậy đã ba lần họ kéo
cả đoàn người vào cung lúc đêm, viện cớ muốn được chiêm ngưỡng Mặt
rồng xinh đẹp đang yên giấc, thật ra để kiểm tra xem Vua có còn ở trong
cung không. Nhưng vị Thái hậu gốc Tây Ban Nha và ngài giáo chủ người
Italia cũng tinh khôn chứ. Đến đêm thứ 12, vào lúc các vương hầu chúng tôi
đang yến tiệc và nâng cốc vui vẻ trong cung điện giữa đêm khuya, thì tôi và
nhiều vị khác nhận được lệnh phải tập hợp ngay bầu đoàn thê tử và ngựa xe
để ra ngọai thành Pari. Đến đấy, lại có lệnh đi tiếp đến Xanh Giécmanh. Tại
đây tôi
thấy đã có Thái hậu cùng hai vị con trai của Ngài, cùng cả đoàn tuỳ tùng
bảo vệ, quanh đó các vương hầu và phu nhân lá ngọc cành vàng nằm la liệt
trên sàn trải rơm trong toà lâu đài cổ trống tuyềnh trống toàng. Ngài
Mađơranh cũng đến. Từ ngày đó, Pari đã bị Hoàng thân Côngđê bao vây,
ông hoàng này nắm quỳên chỉ huy quân đội nhà Vua. Bên trong thủ đô,
Nghị viện vẫn còn giương cao lá cờ nổi dậy, nhưng họ không thoải mái chút
nào. Vị trợ lý tổng giám mục của Pari, Hoàng thân Côngti, một người lăm
le thế chân chức vụ của ngài Mađơranh, đã đứng về phía những người nổi
dậy. Còn tôi thì tôi theo ngài Hoàng thân Côngđê.
- Tôi hài lòng thấy Ngài ủng hộ đức Vua-cụ Nam tước già thở dài-thời Đức
Vua Angri không đời nào có chuyện rối loạn như vậy được. Nghị viện và
các hoàng thân mà lại nổi dậy chống Đức Vua nước Pháp...