niên vào những ngày thứ tư, thứ năm và thứ sáu. Bà nhớ ra là thỉnh thoảng
bà có gặp vài người Việt nhưng họ thường đến trường đúng vào lúc tan học
và vội vã đưa con về ngay. Duy chỉ có một người đàn bà dáng thon gầy,
khuôn mặt trung hậu với mái tóc bới gọn sau ót thường đến sớm hơn những
người kia đôi chút và đón thằng bé cỡ năm tuổi với chiếc cặp nhựa, đủ màu
kiểu Việt Nam sản xuất thì luôn luôn tránh né và lẩn khuất khi bà muốn
trực diện và chào hỏi làm quen. Thái độ của người đàn bà ấy chẳng làm cho
bà ngạc nhiên bởi vì bà đã gặp khá nhiều người Việt khác cũng có thái độ
tương tự như vậy. Những người Việt sang Mỹ lâu dường như chẳng muốn
giao tiếp nhiều. Đa số không muốn người khác biết tông tích về chỗ cư
ngụ, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình hay những cái riêng tư mà họ có
được ngay từ lúc ở Việt Nam. Mặc dù là người thích giao tiếp và kết giao
với những người đồng hương, thái độ xa lánh tương tự như thế đã làm bà
phải giữ thái độ chào hỏi chừng mực và khách sáo. Càng ở Mỹ lâu, càng
thấu hiểu sự tự tách biệt và cô lập của một số người Việt cho nên bà thông
cảm thái độ của bà mẹ của người thanh niên mặc dù bà không hiểu lý do gì
mà hai mẹ con có thái độ đối với bà hoàn toàn trái ngược nhau: Trong khi
người mẹ càng xa lánh chối bỏ, người con càng ân cần kết giao.
Người thanh niên tiết lộ thêm:
- Những ngày khác em học làm móng tay và làm móng bột ở tiệm mà chị
em đang làm.
Thót người như vừa nghe tin nhà bị cháy, người đàn bà chau mày hỏi liên
tiếp:
- Em? Làm móng bột? Làm móng tay? Ở Việt Nam em làm gì, em học đến
đâu mà sang đây làm móng tay?
Người thanh niên cúi đầu:
- Không làm gì, nhưng em đã học xong năm nhất đại học. Sau đó phải
chăm sóc ba bệnh rồi chuẩn bị sang đây nên em nghỉ học. Đến đây không
có việc làm lại chưa rành đường sá nên ngày nào em cũng đi theo chị em
học làm móng tay cho đỡ chán. Nhưng mà...
Người thanh niên ngập ngừng bỏ lửng câu nói và người đàn bà đã tiếp lời
của anh: