- Hiển nhiên con không thể thấy. - Bác Râu-mép-dài tiếp - Một ngón
tay cái xanh, chẳng nom thấy được. Màu đó ẩn dưới da; người ta gọi đó là
tài năng thầm kín. Chỉ các chuyên gia mới phát hiện ra. Ta là chuyên gia và
khẳng định rằng con có hai ngón tay cái xanh.
- Ngón tay cái xanh dùng làm gì ạ?
- Cái đó tuyệt lắm, cái tài do trời phú. Con nhìn xem, đâu đâu cũng
thấy có hạt. Không chỉ trong đất, mà còn trên nóc nhà, trên thành cửa sổ,
trên đường, trên sân thượng, trên tường. Hàng nghìn, hàng tỉ hạt chẳng
dùng làm gì cả. Chúng cứ nằm trơ đó chờ một ngọn gió đưa chúng đến một
cánh đồng hay một mảnh vườn. Thường thường chúng nằm chết dí giữa sỏi
đá, không sao tự hoá thành hoa. Nhưng ngón tay cái xanh chạm vào thì dù
đang ở đâu, hạt cũng hoá thành hoa tức khắc. Mới lại con có bằng chứng
ngay trước mặt đấy. Hai ngón tay cái của con đã phát hiện ra trong đất
những hạt thu hải đường và con đã thấy kết quả. Con hãy biết là ta ghen với
con. Ngón tay cái xanh sẽ có ích trong nghề làm vườn của ta.
Tix-tu có vẻ không sung sướng vì phát hiện đó. Em thì thầm:
- Thiên hạ lại sẽ bảo cháu không giống mọi người.
- Tốt hơn là chẳng hé cho ai biết. - Bác Râu-mép-dài nói - Gợi lên
ghen tuông và tò mò phỏng có ích gì? Những cái tài ẩn giấu bao giờ cũng
dễ đem lại buồn phiền cho chúng ta. Con có hai ngón tay cái xanh, thế là
rõ. Nhưng con hãy giữ kín, chỉ con và ta biết thôi.
Trong quyển sổ ghi nhận xét mà bố Tix-tu trao cho bác, cũng như
các thầy giáo khác, bác làm vườn Râu-mép-dài ghi và ký tên dưới mỗi bài
học. Bác ghi giản dị:
“Cậu bé này tỏ ra có năng khiếu đối với nghề làm vườn”.