- Chiến tranh!... Ôi con người đáng thương! - Mẹ em lắc đầu một
cách rầu rĩ.
- Chiến tranh! … Vậy đấy! Lại một cuộc nữa. – Ông Tru-na-đix tiếp
- Để xem bên nào thắng.
- Chiến tranh! … Thương tâm biết ngần nào. Chẳng bao giờ hết
chiến tranh! – Bà A-mê-li rên rỉ, phều phào muốn khóc.
- Chín tranh… chín tranh… lúc nào cũng chín tranh! – Anh hầu Ca-
rơ-luyx hơi ngọng nhắc lại.
Tix-tu nghĩ rằng chiến tranh là một chuyện chẳng sạch sẽ gì, bởi vì
nhắc đến nó, người ta chỉ nói rất khẽ, nó là một chuyện xấu xa, một căn
bệnh của người lớn, còn tồi tệ hơn tật say rượu, tàn nhẫn hơn sự nghèo đói,
nguy hiểm hơn tội ác. Ông Tru-na-đix đã một lần nói qua với em về chiến
tranh khi chỉ cho em thấy đài kỷ niệm các liệt sỹ ở Mi-rơ-poan. Nhưng vì
ông nói to quá, Tix-tu không thật hiểu.
Em không sợ. Em còn can đảm đến liều lĩnh. Các bạn đã thấy em
bao lần tụt xuống trên tay vịn cầu thang. Khi cả nhà đi tắm sông, bố mẹ em
phải cấm em nhảy liên tiếp mười lần xuống sông từ trên cái cầu nhảy dành
cho các kiện tướng bơi lội. Em lấy đà, rồi hốp! em đã trong không trung,
hai tay dang rộng, lao vút xuống như một thiên thần. Em trèo cây khác hẳn
mọi người, dám leo ra tận đầu cành để hái cái quả mà không ai với tới
được, em chẳng hề chóng mặt. Quả thật Tix-tu không hề biết sợ.
Nhưng ý nghĩ của em về chiến tranh chẳng có gì chung với lòng can
đảm hay sự khiếp nhược; đó là một ý nghĩ không kham nổi, tất cả là thế.
Em muốn người lớn giảng giải cho. Có phải chiến tranh khủng khiếp
như em tưởng tượng không? Tất nhiên, trước hết em đến hỏi bác Râu-mép-
dài.
- Cháu không làm phiền bác chứ ạ? – Em hỏi bác đang tỉa những cây
hoàng dương.
Bác bỏ kéo xuống:
- Không, không tí nào con ạ.
- Thưa bác, bác nghĩ thế nào về chiến tranh?