Chương VII
Bốn ngày sau khi câu chuyện kì lạ xảy ra, vào khoảng mười một giờ
đêm, một đám tang được tổ chức ở lâu đài Canterville. Cỗ xe tang được ba
con ngựa đen kéo, mỗi con đều đeo một chùm lông đà điểu lớn phất phơ trên
đầu. Quan tài được phủ một tấm vải tím thẫm, thêu phù hiệu của dòng họ
Canterville màu vàng. Đi cạnh cỗ xe tang và những chiếc xe ngựa bốn bánh
là đoàn gia nhân tay cầm đuốc sáng. Cả đám tang nhìn thật ấn tượng. Huân
tước Canterville là người chủ lễ, vừa quay về từ xứ Wales mục đích để dự lễ
tang, ngồi trong cỗ xe đầu tiên với Virginia bé nhỏ. Tiếp đến là Ngài Công
sứ và Phu nhân, rồi đến Washington và ba chàng trai, trên chiếc xe cuối
cùng là bà Umney. Hẳn nhiên là sau khi sống trong sợ hãi hồn ma này đến
hơn năm mươi năm thì bà có quyền được chứng kiến kết cục cuối cùng của
lão. Một cái huyệt sâu đã được chuẩn bị ở góc nghĩa trang, ngay dưới gốc
cây thủy tùng và điếu văn được cha Augustus Dampier đọc với một nghi
thức ấn tượng nhất. Khi phần lễ nghi kết thúc, mọi người làm tắt hết nến
theo đúng phong tục được lưu truyền trong dòng họ Canterville, rồi chiếc
quan tài được hạ huyệt. Virginia tiến lên phía trước và đặt một cây thánh giá
lớn được làm bằng hoa cây hạnh nhân trắng và hồng trên quan tài. Vừa lúc
ấy, mặt trăng ló ra khỏi mây, nhuộm khu nghĩa địa nhỏ bằng thứ ánh sáng
bạc tĩnh lặng của mình, và từ phía xa xa, chú chim sơn ca cất tiếng hót khúc
nhạc đêm. Virginia nhớ lại lời kể của Hồn ma về Khu vườn của Cái Chết,
đôi mắt cô ngấn lệ và trên suốt đường về, cô chẳng nói tiếng nào.
Sáng hôm sau, trước khi Huân tước Canterville lên đường, ông Otis hỏi
ý kiến ông về những món đồ trang sức mà con ma đã cho Virginia. Chúng
đều cực kỳ quý giá, đặc biệt là chiếc vòng cổ kiểu Venise nạm ngọc ru bi,
một kiệt tác của thế kỷ mười sáu, và giá trị của chúng quá lớn đến nỗi ông
Otis cảm thấy ngại ngùng về việc cho phép con gái của mình giữ chúng.
“Thưa ngài,” ông nói, “tôi biết rằng ở đất nước này, quyền sở hữu vĩnh
viễn áp dụng cho nữ trang cũng giống như cho đất đai, và khá hiển nhiên