là những câu nói như, “Tôi thấy bối rối” hoặc “Nó làm tôi thấy tự tin hơn”
hay “hiểu nhầm” hoặc “do dự” hoặc “rõ ràng”,... Những trải nghiệm về sự
bối rối, hiểu nhầm, tin tưởng, do dự hoặc rõ ràng không phải là một cảm
xúc. Có thể bạn nghĩ là do câu hỏi của tôi mơ hồ quá - từ “cảm thấy” thật ra
có thể chứa đựng một phạm vi rất rộng những trải nghiệm thể hiện trong
những câu trả lời kia - nhưng câu hỏi tiếp theo: “Ý tôi là, bạn cảm thấy cảm
xúc nào cơ?” thường vẫn không giúp mọi người tiến gần hơn đến câu trả lời
mà tôi tìm kiếm. Những cuộc trao đổi này dạy tôi rằng rất nhiều người
không thành thạo ngôn ngữ của cảm xúc như chính họ, và cả tôi nữa, vẫn
nghĩ. Cảm xúc bao gồm, nhưng không giới hạn: nỗi sợ hãi, sự giận dữ, nỗi
buồn, niềm vui và sự căm phẫn. Mỗi cảm xúc lại có những người anh em
họ như sự lo lắng, hoang tưởng, nỗi thất vọng, tổn thương, trầm cảm, hài
lòng,...
Hiểu được sự khác biệt giữa cảm xúc và suy nghĩ là rất quan trọng, vì cảm
xúc ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của chúng ta. Cảm xúc có uy lực
đến mức các nhà khoa học nhận thức hiện đại đã lý luận rằng nó là yếu tố
không thể thiếu đối với tư duy lý trí chứ không đơn thuần chỉ là không thể
rách rời. Ngay cả Spock, trong seri phim truyền hình Du hành giữa các vì
sao (Star Trek) cũng không tránh được cảm xúc của mình dù được sinh ra
và lớn lên giữa những sinh vật không có cảm xúc mà chỉ có lý trí đơn thuần.
Tóm lại là Vulcans (tộc người của Spock) và Descartes đã lầm. Bạn không
thể tách rời suy nghĩ khỏi cảm xúc. Và quan trọng nữa là thứ này có thể
thay đổi thứ kia.
Suy nghĩ có thể thay đổi cảm nhận, và cảm nhận có thể thay đổi suy nghĩ.
Suy nghĩ, nhận thức, phán quyết và hành vi của bạn thay đổi, rõ ràng hay
mờ nhạt, tùy thuộc vào cảm xúc của bạn. Tôi có thể trích dẫn nhiều tác
phẩm lỗi lạc trong chủ đề này, nhưng những tác phẩm khác, trong đó có
Daniel Goleman với Trí thông minh cảm xúc, đã bàn luận chi tiết vấn đề
này hơn tôi ở đây rất nhiều.