“Ừ, ừ. Sao con lại hỏi chuyện này? Con biết cả rồi mà.” Bà có vẻ cáu.
“Con xin lỗi. Chỉ là con vừa nghĩ có lẽ bác sỹ McElroy đã không kê đúng
thuốc cho mẹ.”
Bà rạng rỡ lên ngay tức thì - mặc dù tôi không phải là một bác sỹ, mẹ tôi
vẫn luôn tin rằng tôi biết về thuốc nhiều hơn bất kỳ bác sỹ nào “khác” - và
bà hỏi: “Bà ấy nên cho mẹ thuốc nào?”
Tôi nói cho bà nghe tên thuốc - một loại chống trầm cảm mà bác sỹ
McElroy đã đồng ý kê đơn theo yêu cầu của tôi - và bà quắc mắt lên.
“Đấy là thuốc trầm cảm đúng không?”
“Vâng, nhưng không phải chỉ dành cho trầm cảm. Con nói thêm tác dụng
cho mẹ nghe nhé?”
“Được thôi. Nhưng mẹ không cần một bác sỹ tâm lý.”
“Mẹ à, mẹ đâu có cần một bác sĩ tâm lý,” tôi kiểm chứng lại. “Con nghe mẹ
mà. Con không cố thuyết phục mẹ đi gặp bác sỹ tâm lý đâu vì con đồng ý là
mẹ không cần phải gặp họ thì mới đỡ được.” Khi mọi chuyện đã rõ ràng, tôi
sẽ nói cho bà toàn bộ sự thật. Trong trường hợp này, bà không nhất thiết
phải gặp bác sỹ tâm lý mới có được các loại thuốc bà cần. “Vậy con nói
thêm về các công dụng khác của thuốc này nhé?” tôi hỏi.
“Ừ”.
Tập trung duy nhất vào vấn đề mà bản thân bà đã miêu tả - và trầm cảm
không phải là một trong số đó - tôi nói: “Nó cũng giúp người ta ngủ được.
Con có những bệnh nhân bị triệu chứng về tiêu hóa giống mẹ đã uống thuốc
này và đỡ rất nhiều. Nó có nhiều tác dụng mà.” Tôi lại nói sự thật.