Nếu một trong những điều này xảy ra - nếu bạn hoặc người kia ngắt lời
nhau, cảm thấy không được lắng nghe, gọi nhau là đồ này, đồ kia, lan man
sang chuyện khác hoặc cãi nhau trước mặt người khác - nghĩa là đèn ngu đã
bật sáng, khói bốc lên từ mui xe, động cơ kêu sòng sọc và nếu bạn không
dừng lại thì xe bạn sẽ nổ tung.
Những đổ vỡ ngoài mong muốn
Khi cuộc chiến của bạn diễn ra nơi công cộng (và trong trường hợp một
cuộc tranh cãi độc hại, thì công cộng nghĩa là tranh cãi trước mặt dù chỉ một
người khác), những người ngoài cuộc hồn nhiên nhất cũng dễ bị tổn
thương. Điều này đúng cả khi bế tắc diễn ra giữa hai thành viên trong gia
đình, cộng sự trong công việc, bạn bè hay thậm chí hai người xa lạ. Khi
điều này xảy ra, nó sẽ khiến cuộc tranh cãi phức tạp hơn và bế tắc sẽ khó có
thể được phá vỡ.
Một trong các ví dụ điển hình của vấn đề này là khi bố mẹ cãi nhau trước
mặt con cái. Melinda cãi nhau với Tim về chuyện anh ở nhà quá ít. Cô thấy
anh dành nhiều thời gian ở nơi làm việc hơn cần thiết, và kết quả là gia đình
bị lờ đi. Họ mắc kẹt trong ngõ cụt: Melinda cãi rằng Tim không cần làm
việc vào cuối tuần, còn Tim thì bảo cô là cô đã sai và không hiểu bản thân
cô đang nói gì. Khi nói chuyện với tôi, họ kể lại rằng cuộc cãi nhau của họ
chẳng dẫn đến đâu cả; họ chỉ đi lòng vòng mà thôi. Thay vì tỉnh táo tranh
luận nhắm tới việc xác định và thỏa mãn những lợi ích chung thì cuộc cãi
nhau lại nổ ra kịch liệt rồi bế tắc. Lần cuối cùng, họ cãi nhau trước mặt cậu
con trai sáu tuổi tên là Dylan. Lúc đó, cậu bé đang ngồi vẽ trên tấm thảm
trong phòng bếp và “không nghe gì cả”. Đột nhiên, cậu hét toáng lên, “da
da, da da, ba ba mama, dad a, ba ba, oa, oa!” Melinda ngừng giữa câu, quay
sang cậu con trai và quát, “Dylan! Con có phải trẻ con đâu. Ngừng ngay cái
trò bập bẹ đó đi.” “Dad a, da da, mama, oa-oa-oa!”, “Thôi nào, D, đủ rồi
đấy. Nghe lời mẹ con đi,” Tim nói, cố gắng tỏ ra có ích.