nó, rung động với từng câu chữ, từng nhịp điệu, các bạn này sẽ dần quên đi
ngoại vật, dần chìm đắm vào những diễn biến tâm lý của nhân vật, cùng
buồn, vui, kinh ngạc, chán chường, bực tức, lo âu... với những buồn vui của
họ.
Lý do của hai quan điểm trên đều xuất phát từ chính văn phong đặc biệt và
độc đáo mà tác giả sử dụng ở tác phẩm này: sự khai thác “Dòng Ý thức”
(Stream of Consciousness) của nhân vật.
Thuật ngữ “Dòng Ý thức” bắt nguồn từ các văn bản Phật giáo sơ kỳ (theo
chữ Pali là viññāna-sota), sau đó được phát triển mở rộng bởi hệ phái
Yogachara (Du già tông) của Phật giáo Đại thừa thành một lý thuyết về tinh
thần. Theo Đại đức người Sri Lanka Hammalawa Saddhatissa Maha Thera
(1914-1990) thì: “Dòng ý thức, chảy qua nhiều kiếp sống, cũng thay đổi y
như dòng nước. Đây là học thuyết anatta (vô ngã) của Phật giáo liên quan
tới cá thể con người.”
Triết gia, tâm lý học gia người Mỹ William James (1842-1910) là người đầu
tiên vận dụng thuật ngữ Dòng Ý thức trong tác phẩm Principles of
Psychology (Các nguyên tắc của Tâm lý học - 1890). Ngay lập tức, khái
niệm này đã có một ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ tới nền văn học nghệ
thuật hiện đại avant-garde thời bấy giờ, hình thành nên bút pháp Dòng Ý
thức. Bút phápDòng Ý thức có nghĩa là người thuật chuyện thể hiện lại dòng
ý thức của nhân vật bao gồm những ý nghĩ, liên tưởng, cảm xúc liên tục đan
xen vào nhau và chuyển động liên miên tiếp nối như một dòng nước chảy.
Dù Dòng ý thức có phần tương tự với Độc thoại nội tâm (Interior
monologue) và người ta thường hay nhầm lẫn giữa hai thủ pháp này, thật ra
Độc thoại nội tâm có một điểm hoàn toàn khác biệt, do cú pháp tương đối
có cấu trúc của nó và khả năng cho phép người độc thoại trực tiếp nói với
chính bản thân mình (thường ở thì hiện tại). Còn ở Dòng ý thức, người thuật
chuyện thường đứng ở vị trí kẻ quan sát thứ ba, cấu trúc cú pháp và trình tự
thời gian bị đẩy tới một mức độ hoàn toàn hỗn loạn. Nói cách khác, theo