quyển 150 thuật ngữ văn học do Lại Nguyên Ân biên soạn, Dòng Ý thức là
“mức tới hạn, là dạng cực đoan của độc thoại nội tâm.”
Có rất nhiều nhà văn khai thác bút pháp Dòng Ý thức trong tác phẩm của
mình, chẳng hạn Dostoievsky, Leon Tolstoi, Knut Hamsun, Marcel Proust,
James Joice, T.S, Eliot, vv..., nhưng với Virginia Woolf, đặc biệt, ở tác
phẩm Tới ngọn hải đăng, bút pháp khai thác Dòng Ý thức đã được sử dụng
ở một cấp độ đậm đặc nhất, nhuần nhuyễn nhất, tuyệt diệu nhất.
Mrs. Dallloway (Bà Dalloway) là tác phẩm đầu tiên mà trong đó Virginia
Woolf sử dụng thủ pháp Dòng Ý thức. Tác phẩm này đã ngay lập tức đạt
được thành công và có một ý nghĩa rất quan trọng trong bước phát triển về
bút pháp của bà. Tuy nhiên, dù ởTới ngọn hải đăng bạn đọc một lần nữa
gặp lại thủ pháp này, nó đã vươn lên một tầm cao khác. Dòng Ý thức đã
được giải phóng khỏi sự hỗn loạn thông thường của nó thông qua sự chọn
lọc và ý thức về trình tự để đạt tới một độ cô nén tối đa.
Trong Mrs. Dalloway, nhân vật chính Clarissa Dalloway chiếm vị trí trung
tâm trong mối quan hệ với chính bản thân mình, với gia đình, bằng hữu,
người hầu, hoàn cảnh của mình. Trái lại, Tới ngọn hải đăng là một tác phẩm
thể hiện những quan hệ tương tác giữa mọi người, và dù vẫn có những nhân
vật chủ yếu và thứ yếu, những nhân vật chính không choán chỗ từ đầu tới
cuối tác phẩm, mà đúng hơn chỉ là những phương tiện để mang lại cho câu
chuyện sự hòa hợp và thống nhất của nó, những tiêu điểm trọng tâm của nó.
Với công cụ này, Virginia đã tạo tác nên một tác phẩm mang tính tự truyện
cao độ, gắn bó mật thiết với những hồi ức của mình về cha, mẹ, các anh chị
em, và ngôi nhà nghỉ hè ở thị trấn St. Ives. Tuy nhiên, tác phẩm đã vượt cao
khỏi tầm vóc của một cuốn tự truyện bình thường để vươn tới một chiều
cao khác, thể hiện được các chủ đề quán xuyến toàn tác phẩm, như tính chất
phù du vô thường của phận người, sự vật; như nghệ thuật là một phương
tiện bảo tồn; như bản chất khách quan của thực tại; như những tác động
mang tính phục hồi của cái đẹp, vv...