Được đặt trong bối cảnh thời gian khoảng từ năm 1910 đến 1920, Tới ngọn
hải đăng gián tiếp đề cập tới sự can thiệp mang tính hủy diệt của Thế Chiến
thứ nhất. Cuộc chiến tranh không được thể hiện một cách trực tiếp mà chỉ
qua những chi tiết nhỏ như việc Andrew, con trai cả của ông bà Ramsay bị
giết chết bởi một mảnh đạn pháo ở Pháp. Andrew là một thanh niên có rất
nhiều triển vọng, có khả năng trở thành một nhà toán học lớn. Anh tiêu biểu
cho niềm hy vọng vào thế hệ tương lai, niềm hy vọng con cái mình sẽ tiếp
tục hoàn thành con đường dang dở của mình của ông Ramsay. Nhưng chiến
tranh đã phạt ngang niềm hy vọng đó, cắt đứt nó bằng một nhát chém vô
tình ngọt lịm. Chiến tranh cũng được gián tiếp nhắc đến như một tai ương
không thể tránh khỏi qua những suy nghĩ của bà McNab, một bà lão giúp
việc coi sóc ngôi nhà của gia đình Ramsay:
“Có những đôi giày và ủng; một cái bàn chải và một cây lược còn nằm lại
trên bàn trang điểm, như thể bà ấy từng mong đợi sẽ trở về ngay trong ngày
mai. (Bà ấy đã chết rất đột ngột, họ bảo thế.) Có lần lẽ ra họ đã tới nhưng
phải hoãn lại, do chiến tranh, và việc đi lại thời buổi này rất khó khăn.”
Hoặc, “Nhưng, than ôi, đã có nhiều thay đổi kể từ dạo ấy (bà đóng ngăn
kéo lại); nhiều gia đình đã mất đi người thân yêu nhất của mình. Thế là bà
ấy đã chết; và cậu Andrew bị giết; cả cô Prue cũng đã chết, họ bảo thế, với
đứa con đầu lòng của cô ấy; nhưng mọi người đều mất mát một ai đó trong
những tháng năm này. Giá cả tăng vọt một cách đáng xấu hổ, và cũng chưa
hề hạ xuống.”
Hoặc một cách gián tiếp hơn nữa thông qua những chi tiết miêu tả cảnh
hoang tàn đổ nát của một ngôi nhà vắng chủ:
“Ngôi nhà đã bị bỏ lại; ngôi nhà đã trở nên hoang vắng không người. Nó bị
bỏ lại như chiếc vỏ sò trên một đồi cát và bị những hạt cát khô vùi lấp khi
giờ đây cuộc sống đã từ bỏ nó. Dường như đêm dài đã chập chùng chặn
nẻo; Dường như những làn gió lẻ vi vu, những hơi thở lần mò, lạnh và ẩm
ướt, đã chiến thắng. Những cái chảo han rỉ, và những tấm thảm mục nát.
Lũ cóc mò mẫm vào nhà. Tấm khăn choàng đong đưa phấp phới lại qua