Cecilia. Anh rất hãnh diện về những hộp giày của mình, bởi thế cô phải cố
kiềm lắm mới không nhắc chồng rằng sử dụng tủ đựng tài liệu sẽ tiết kiệm
diện tích hữu hiệu hơn nhiều.
Nhờ những chiếc thùng chứa đồ được dán nhãn, cô tìm thấy viên đá kỷ
niệm bức tường Berlin gần như ngay lập tức. Cô mở nắp chiếc thùng đánh
dấu “Cecilia: Du lịch/Lưu niệm 1985-1990”, và thứ đập vào mắt đầu tiên
là chiếc túi giấy màu nâu đã bạc màu. Viên đá lịch sử nhỏ bé của cô. Cô lấy
viên đá (hay viên xi măng?) ra, giữ trong lòng bàn tay. Thậm chí nó còn bé
hơn so với trí nhớ của cô. Trông chẳng có gì ấn tượng, nhưng hy vọng nó
sẽ đổi lại một nụ cười dù là nhếch mép của Esther. Kiếm được một nụ cười
của con bé thật khó khăn biết chừng nào.
Rồi Cecilia cho phép mình phân tâm đôi chút (phải, dẫu rằng mỗi ngày
cô làm được rất nhiều việc, nhưng cô không phải một cái máy, cô vẫn được
phép lãng phí chút ít thời giờ chứ), mắt lướt qua thùng, và bật cười trước
bức ảnh chụp chung của mình với anh chàng người Đức thích di đá viên
ngày nào. Anh chàng ấy, cũng giống như mẫu đá từ bức tường Berlin,
chẳng được ấn tượng như trong trí nhớ của cô. Bỗng điện thoại nhà đổ
chuông, đột ngột kéo cô khỏi quá khứ, cô đứng bật dậy khiến đầu cụng trần
đau điếng. Mấy bức tường này, máy bức tường này! Cô buột miệng chửi
thề, lảo đảo người, khuỷu tay va phải đống hộp giày của John-Paul.
Ít nhất ba hộp bật tung nắp khiến đám giấy tờ bên trong bay lả tả. Đây
chính xác là lý do tại sao trưng dụng đám hộp giày không phải là ý tưởng
hay cho lắm.
Cecilia lại chửi thề, vò cái đầu đang đau điếng lên được. Cô ngao ngán
nhét đống hóa đơn tài chính từ những năm 1980 vào một chiếc hộp, bất
chợt bắt gặp tên của mình trên một chiếc phong bì màu trắng.
Cô nhặt lên, là chữ viết tay của John-Paul.
Trên đó viết:
Gửi tới vợ tôi, Cecilia Fitzpatrick
Chỉ được mở khi tôi đã chết