Giờ thì cô đặt tách trà xuống, soi chiếc phong bì trước đèn, mỉa mai
chính mình. Lá thư như thể được viết tay trên nền giấy tập nhàu nát, nên cô
chẳng thể luận ra một từ nào.
Lẽ nào John-Paul xem được trên ti vi cách mấy tay lính Afghanistan viết
thư cho gia đình, để khi họ tử trận, thư sẽ được gửi đi như những bức thông
điệp từ mộ chí, và anh ấy nghĩ sẽ rất thú vị nếu bắt chước?
Cô chẳng thể hình dung nổi cảnh anh ấy ngồi làm một việc như thế. Thế
thì ủy mị quá!
Dầu vậy hành động này cũng rất đáng yêu. Dù chết đi, anh vẫn muốn
mấy mẹ con biết anh yêu họ biết chừng nào… khi tôi đã chết. Sao anh ấy
lại nghĩ tới cái chết nhỉ?
Anh ấy ốm ư? Nhưng có vẻ bức thư đã được viết từ lâu lắm rồi, mà anh
ấy vẫn còn sống sờ sờ ra đấy. Hơn nữa, mới vài tuần trước, khi kiểm tra
tổng thể, bác sĩ Kluger còn kết luận anh ấy “khỏe như ngựa nòi” còn gì.
Rồi vài ngày sau đó, anh ấy còn chúi đầu xuống, miệng hí hí như ngựa, phi
quanh nhà trong khi Polly cưỡi trên lưng, vung vẩy chiếc khăn uống trà
quanh đầu như đang quất roi.
Những kí ức đó khiến Cecilia mỉm cười, nỗi lo âu bỗng chốc tan biến.
Vậy là vài năm trước John-Paul bất thần nổi cơn ủy mị, viết ra bức thư này.
Chẳng nên khơi chuyện này ra làm gì, và cô cũng chẳng nên mở lá thư chỉ
vì tính tò mò thuần túy.
Cô nhìn đồng hồ. Gần tám giờ tối. Chắc anh ấy sẽ gọi điện về ngay thôi.
Những lúc vắng nhà, mỗi tối John-Paul thường gọi điện về vào tầm này.
Cô chẳng có ý định nhắc tới lá thư đó với anh. Nó sẽ khiến anh xấu hổ,
hơn nữa nói chuyện này qua điện thoại cũng không thích hợp chút nào.
Chỉ có điều, nãy giờ cô vẫn luôn thắc mắc: chính xác thì làm sao cô tìm
được bức thư này nếu như anh ấy đã chết? Có thể suốt đời cô sẽ chẳng tìm
ra. Sao anh không trao nó cho luật sư của gia đình - Dong Openheimer,
chồng của Miriam? Mỗi lần nhắc tới cái tên này, thật khó để không nghĩ tới
cảnh anh ta thủ dâm dưới vòi sen. Tất nhiên, điều này chẳng liên quan gì