Kẻ hầu người hạ ra ra vào vào, hết thở dài, lại than vắn, khóc chán lại lau
nước mắt… không ai có cách gì hơn.
Những bà đỡ hơi có tiếng tăm một chút ở quanh vùng cũng đã được mời
cả đến, bằng kinh nghiệm của mình, trổ tài khoe giỏi một hồi, hoàn toàn
chẳng giải quyết được gì; thế là lúc đến hăng hái hý hửng bao nhiêu, thì lúc
lui ra tiu nghỉu lặng lẽ bấy nhiêu, khiến cho không khí trong Điền phủ lại
thêm buồn bã hơn, căng thẳng và ngột ngạt hơn.
Gió bấc vân đang gào rít, mỗi lúc một dữ dội hơn; mây đen vẫn đang vần
vụ, mỗi lúc một dày đặc hơn; mỗi người đều như thấy tim mình rung lên,
tức thở và đang ứ máu…
Một cỗ xe ngựa trang trí rất lộng lẫy ra khỏi kinh thành Lâm Tri, ven
theo con đê ngoằn ngoèo bên sông Tri Hà, vội vã lăn bánh về phía thôn
Điền Ban. Người ngồi bần thần trong xe là quan thái y trong cung nhà Tề là
Công Tôn Hồi Xuân, đang theo lệnh của Thái tể Yến Anh đến thôn Điền
Ban, đỡ ca khó đẻ cho Điền phu nhân. Thái y nguyên tên là Công Tôn Du.
Sáu năm trước, Tề Tráng công mắc bệnh hiểm nghèo lại rất oái oăm, người
đời ai cũng bảo đó là thứ bệnh không tài gì chữa khỏi, vậy mà Công Tôn
Du lại chữa được cho nhà vua khỏi bệnh, khiến ngài vui mừng và không
ngớt lời khen thái y chữa bệnh rất cao tay, là “nhờ khéo tay nên được hồi
xuân”. Thế rồi, thái y thấy hay, đổi ngay tên mình là Hồi Xuân, và cho rằng
đó cũng là niềm vinh dự nhất đời mình.
Công Tôn Hồi Xuân tới Điền phủ, không kịp nghỉ ngơi, nước cũng
không thiết uống, vội vàng lấy đồ nghề của mình ra, bắt đầu cuộc vật lộn để
cứu lấy hai mạng người…
Cũng vào giữa lúc này, ở trong Tấn Dương cung, Tấn Bình công đang
dương dương tự đắc, chễm chệ ngồi trên ngai vàng “bá chủ” để nhận lễ
mừng của vua chúa các nước Tề, Trần, Thái, Bắc Yên, Khởi, Hồ, Thẩm,
Bạch Địch, v.v… Xem xét đồ tiến cống của các nước, ông ta ưỡn ngực
vênh vang, coi khinh mọi người, làm như mình chính thức trở thành bá chủ
của thế giới này. Quan chấp sự Triệu Vũ thì khoa chân múa tay, hô hét chỗ
này, doạ nạt chỗ kia, làm ra vẻ nhất trên đời này.