Và để chứng minh cho cái “sức khỏe dồi dào” ấy, chiều đó tôi đã gánh liền
một mạch mấy thùng nước khiến cho chị cả tôi xót cả ruột, phải giằng lấy
chiếc đòn gánh trên vai tôi, dọa sẽ không thèm quan tâm tới tôi nữa nếu tôi
cứ mãi cứng đầu, đến lúc ấy tôi mới chịu thôi. Hôm sau tôi xin phép gia
đình đi công việc, nhưng thật ra tôi tìm tới nhà Thi. Mặc dù dòng địa chỉ
trong tin nhắn không còn nữa nhưng mãi mãi nó vẫn còn ghi khắc trong trí
óc của tôi. Nhà Thi cách nhà tôi hơn bốn mươi cây số, cũng nằm gọn theo
quốc lộ nên cũng rất tiện đường. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ là tôi tới nơi.
Thấy tôi lấp ló trước cổng, từ trong nhà một người phụ nữ đi ra. Có lẽ đây
là mẹ của Thi vì trông hai người có nhiều nét giống nhau. Ngỡ ngàng khi
nhận thấy người lạ, người đàn bà chưa kịp cất tiếng, tôi vội chào:
- Dạ thưa bác, bác cho cháu hỏi thăm, đây có phải là nhà Thi không ạ?
- Cháu là bạn của Thi? - Người đàn bà tò mò hỏi.
Tôi đáp:
- Dạ. Cháu là bạn của Thi. Cháu đến đây xin phép được thắp cho Thi nén
nhang...
Người đàn bà rưng rưng nước mắt mở cổng mời tôi vào nhà. Ngôi nhà tuy
không lớn lắm nhưng trông rất khang trang, ngăn nắp. Ở giữa nhà là hai
chiếc bàn thờ kề bên nhau. Một chiếc để ảnh người đàn ông, đúng là người
mà tôi đã gặp trên chuyến xe đêm ấy, và một chiếc bàn thờ dành cho Thi.
Trên bàn thờ Thi, ngoài bức ảnh chụp bán thân Thi đang cười thật tươi,
cạnh bên còn có một bức vẽ bằng bút chì trên tờ giấy học trò, bức họa do
chính tay tôi vẽ Thi trong một đêm mưa to gió lớn...
- Thưa bác, bức vẽ này...
Sau khi thắp nhang cho Thi, tôi giả vờ hỏi đến bức vẽ. Mẹ Thi buồn bã cất
tiếng:
- Bác cũng không rõ ai vẽ nó nữa cháu ạ! Mới mấy hôm trước, tình cờ bác
bắt gặp bức vẽ đó trên chồng tập vở của Thi còn để lại, nên bác lấy để lên
bàn thờ cho em nó vui. Mà cũng lạ, hồi Thi mới mất, bác đã soạn rất kỹ đồ