không chợp mắt. Ba con chó lớn luôn nhớ nhiệm vụ. Chúng chốt nơi đầu
gió, lẩn trong khói ngải, chia nhau canh gác.
Bên ngoài luồng khói, bầy muỗi đói dày đặc tức điên rít vo vo nhưng
không dám xông vào đám khói. Chiến đấu quá nửa đêm, Trần Trận nhìn kẻ
thua trận mà vui như mở cờ trong bụng.
Đêm hôm ấy, các khu lều trại của đại đội đều triển khai cuộc chiến bằng
khói. Hơn trăm chậu ngải đồng thời nhả khói. Hơn trăm làm khói tỏa ra
ngày càng rộng như hàng trăm con bạch long khổng lồ vờn múa, lại giống
như hàng trăm cột khói nhà máy thời hiện đại, khói trắng cuồn cuộn tỏa ra,
thanh thế lừng lẫy, cảnh tượng đẹp mắt, không những cản được bầy muỗi
đó, mà còn là một đòn choáng váng đối với bầy sói đói vì muỗi.
Trần Trận nhìn thảo nguyên mênh mông dưới ánh trăng, cảnh tượng trước
mắt như một trận thủy chiến trên đại dương: Hàng trăm nghìn hàng không
mẫu hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm và các loại hạm tàu tổ chức thành
một hạm đội khổng lồ, hình thành trận thế bao vây uy hiếp, khói đen cuồn
cuộn, hàng nghìn nòng pháo cất cao, rẽ sóng tiến vào biển Nhật Bản. Đó là
trận bao vây cấp hiện đại của sói biển phương Tây đối với sói biển lùn
phương Đông. Lịch sử thế giới cho đến nay, vượt lên tuyến đầu phần lớn là
các dân tộ vũ trang bằng tinh thần sói. Trong cuộc cạnh tranh tàn khốc trên
thế giới, cừu muốn lặng nhưng sói chẳng dừng. Sói mạnh còn có sói mạnh
hơn thôn tính. Dân tộc Hoa Hạ muốn tự cường trong thế giới cá lớn nuốt
cá bé, phải thanh toán triệt để tính cừu, tính gia súc trong tính cách dân tộc
nông canh, trở nên mạnh mẽ như sói, chí ít phải có tinh thần sói, tôtem
sói...
Thảo nguyên rộng lớn có khả năng nhạt hóa khói đậm. Làn khói trắng của
toàn đội bay lên trên thung lũng liền biến thành một biển mây. Biển mây
trùm lên mặt hồ do đàn muỗi tác oai tác quái, san bằng quần sơn lạnh lẽo
cùng vầng trăng. Cột khói biến mất, thảo nguyên trở lại yên tĩnh và vẻ đẹp
nguyên thủy của nó.
Trần Trận bất giác ngâm câu thơ nổi tiếng của Lý Bạch: Minh nguyệt xuất
thiên sơn, Thương mang vân hải gian, Trường phong kỷ vạn lý, Súy độ
Ngọc Môn quan. Trần Trận thích Lý Bạch từ nhỏ. Nhà thơ sinh ra ở Tây