Từ rất lâu rồi, tận trong sâu thẳm ý thức anh đã lờ mờ cảm thấy trong
thái độ của chị đối với anh có phần nào lạnh lẽo xa cách ngấm ngầm. Vốn
sinh trưởng trong một gia đình nông dân quá đỗi nghèo khổ nên anh quen
thói tiết kiệm chi li từng đồng từng hào. Cảm giác hãi hùng về những bữa
ăn không đủ no có lẽ thấm vào anh từ ngày còn bú mẹ. Cho đến tận bây giờ
anh còn nhớ dai một cách kỳ quặc có một ngày anh học lớp ba ở phố Còng,
anh lượn qua lượn lại thèm thuồng trước lọ bánh rán nhân đường bày trong
quán nước. Trong tay anh nắm chặt ba hào bạc - tiền thưởng học sinh giỏi
mẹ cho. Trái tim anh đập thình thình vì cảm xúc hỗn loạn, vừa thèm
thuồng, vừa xót xa, vừa hồi hộp. Nó giằng xé khiến cho cơ thể mệt lử. Vừa
thèm ăn quá lại vừa tiếc tiền quá. Sau cùng anh chạy tọt vào sau một bức
tường vỡ, giở ba hào bạc ra ngắm nghía. Anh đưa mấy tờ hào ấy ra ánh
nắng, săm soi, hít hà, chìm vào trong lâng lâng sung sướng và quên cái
thèm khát kia đi. Sau cùng anh đã tự thắng bản thân, và ba hào bạc ấy mãi
năm năm sau anh mới tiêu đến.
Khi bỏ vợ cũ lấy vợ mới là anh dấn thân vào cuộc phiêu lưu lạ lẫm.
Hòa vào môi trường những người trí thức sang trọng anh hiểu ngay rằng
mình phải tỏ ra là kẻ sĩ trọng nghĩa khinh tài thì mới không bị coi thường.
Rất may là hồi anh học bên Liên Xô, chẳng mấy ai biết anh. Anh học cách
nói năng của những người phóng khoáng. Trong những câu chuyện vui, anh
thản nhiên và tự tin kể lại hàng chục lần rằng cái hồi ở bên Liên Xô ấy, anh
nhiều tiền đến mức độ bây giờ nằm mơ cũng không thấy, và tất cả các bạn
Việt Nam cùng trường, không ai là không được anh giúp đỡ ít nhiều.
Những người nghe tưởng thật. Chỉ riêng vợ anh là sượng sùng trong
lòng, vì chị hiểu anh hơn ai hết. Chị cay đắng nhìn quanh bạn bè, và nhận
thấy chỉ có chị là bị chồng nhòm ngó vào giá tiền chị mua từng cái quần
lót, từng cái áo lót và những đồ mỹ phẩm dành riêng cho phụ nữ. Hỏi giá
xong mặt anh cứ sạm lại, khóe miệng trễ xuống và đôi mắt đầy cay đắng.