thành những khối xám xịt. Cha tôi là một hình khối sẫm hơn cả và to xù xì.
Ông ngồi bó gối trên giường, bồn chồn, câm lặng như pho tượng đá. Ngày
mai cha tôi sẽ chính thức nộp đơn xin nghỉ hưu lên Cục Lưu trữ. Nội tâm
ông đang bị đè nặng bởi nỗi buồn.
Chúng tôi lại im lặng. Trong cái im lặng ấy chúng tôi thông cảm với
ông, và nơm nớp chờ đợi cơn giận dữ của ông sẽ bùng nổ ra, một sựbùng
nổ cay nghiệt, rớm máu và chì chiết. Chẳng phải là như vậy sao, cái quy
luật trường tồn: Người ta thường lấy nỗi khổ của mình để làm khổ người
khác.
Sáng sớm hôm sau cơn giận dữ đã bùng nổ. Tôi giật mình tỉnh giấc
khi từ dưới nhà vọng lên giọng ngàn ngạt đầy uất ức và chua xót của cha
tôi. Cha tôi giọng trầm và ấm, chỉ thích hợp khi ông điềm tĩnh giảng về lẽ
sống, đạo đức và nhân cách con người, tức là nó chỉ phù hợp với âm điệu
trìu mến bao dung. Bây giờ nó vang lên một cách khó nhọc, tôi cảm thấy
cái giọng nói của cha tôi muốn vỡ ra mà không vỡ ra được, muốn hét lên
mà không hét lên được.
- Hết chỗ nói! Hết chỗ nói! Cái thân tôi đây, cống hiến cho xã hội bao
nhiêu năm, xây dựng gia đình từ buổi trứng nước, ngần này tuổi đầu rồi
phải đi lau một bãi nước đái chó. Thử hỏi như thế ai mà chịu được? Khinh
nhau quá lắm!
Tôi hối hả lao xuống cầu thang suýt va phải thằng em tôi. Nó đứng gí
sát mũi vào tường, đôi vai gầy guộc run lên nức nở. Hai mắt nó đỏ hoe, đờ
dại như đứa mất hồn. Đằng sau nó, mẹ tôi âm thầm nhìn cha tôi, trách móc
và cam chịu.Nỗi buồn và sự mỏi mệt khiến mẹ tôi như một chiếc lá héo.
Thì ra sáng nay, cha tôi dậy sớm chuẩn bị đến Cục Lưu trữ để nộp đơn
xin về hưu, ông đã giẫm ngay phải bãi nước tiểu của con chó Bim.