Ông nói nghiêm nghị:
- Béctôn Bret là người Đức. Còn anh, anh đã qua chiến trận ở Việt
Nam chưa?
- Sao bác lại hỏi tôi điều đó? - Tay đạo diễn lộ vẻ bối rối. - Tôi chỉ
muốn bàn về trí tuệ hóa nghệ thuật, và hiện đại hóa đời sống nước ta.
Suốt thời gian sau, một ý nghĩ thường xuyên ám ảnh ông Tâm: "Phải
chăng hắn có lý?" Ông quan sát tỉ mỉ cuộc sống xung quanh và đau buồn
nhận ra trên sân khấu xuất hiện những cặp múa đôi ăn mặc hở hang, tóc búi
ngược trơ tráo, đùi và mông loạn xạ. Ông xót xa nhớ lại những cô gái quan
họ ngày xưa, dịu dàng và e ấp xiết bao. Lòng ông dần dần trở nên lạnh giá.
"Mình già mất rồi"! Ông nhủ thầm, buồn bã.
Thấm thoắt ông Tâm ở nhà người em đã được một tuần. Ông trở nên
tư lự và thấy cảnh vật ở đây buồn quá. Căn nhà nằm ven chân đồi, trên một
miền đất đá ong cằn cỗi. Ban ngày trời nắng chang chang, những bóng
người nông dân trùm vải kín mít từ đầu đến chân lúp xúp gánh lúa, đằng xa
những con trâu uể oải tìm ăn. Chiều chiều tiếng còi tàu hỏa vọng đến gợi
lên cho ông nỗi buồnhiu quạnh.
Một buổi chiều ông lững thững đi dạo. Vô tình đôi chân ông cứ hướng
tới phía đường tàu hỏa. Cách đường tàu khoảng 50 thước, ông chọn một
phiến đá sạch và ngồi xuống. Đường tàu chạy mãi về phía xa rồi mất hút
nơi mặt trời lặn. Những thửa ruộng hai bên vắng bóng người. Trên khoảng
đất bên cạnh, bốn, năm đứa trẻ đang chơi trò gì đó. Có lẽ vì mải chơi nên
chúng không để ý đến ông, nhưng điều đó làm ông buồn thực sự. Ông ngồi
trầm ngâm, tỳ cằm lên lòng bàn tay và nghĩ mình có lẽ đang trở nên vô
dụng.
Mặt trời đã gần khuất hẳn nhưng ánh nắng nhạt vẫn còn vương trên
ngọn cỏ cây. Cái nóng dịu đi nhiều, bắt đầu những làn gió từ phương xa