- Dính nghệ thuật vào người là dễ dở hơi như thế đấy!
Vì không có tàu sáng nên ông Tâm phải đi ô tô. Người em lấy xe đạp
lai ông ra bến, đưa ông lên xe còn dặn với qua cửa sổ:
- Thôi, anh về giữ gìn sức khỏe cẩn thận nhé, đừng nên thái quá…
Người em bùi ngùi trông theo chiếc ô tô nổ máy chạy xa dần, lòng ân
hận vì chưa dặn anh trai cẩn thận bộ thần kinh.
Ô tô đến Hà Nội lúc mười hai giờ trưa, ông Tâm không kịp về nhà cất
hành lý, vội vã chạy ngay vào mấy cửa hàng mậu dịch để mua đồ chơi trẻ
em.
Chả mấy chốc ông đã toát mồ hôi vì phải bê một số hàng quá nặng.
Ông mua thêm một cái túi to để đựng rồi lễ mễ khuân đi. Ông vội lắm,
thỉnh thoảng chặn người qua đường lại để hỏi giờ. Hai giờ chiều tàu chạy
lên Vĩnh Phú. Ông còn phải hóa trang.
Ga Hàng Cỏ đông đúc, rực lên mùi mồ hôi quyện lẫn mùi cá khô nặng
nề. Đã đến giờ mở cửa cho khách vào ga. Ông Tâm thấm mệt, mồ hôi lạnh
vã hai bên thái dương, mắt thì cứ hoa lên. Trước mặt ông những bóng
người chen chúc trên sân ga tự dưng chao đảo, lẫn lộn với hình ảnh thằng
cu Tuất reo hò, nhảy lên vui sướng bên vệ đường tàu. Mình già yếu lắm rồi
- ông Tâm chua xót nhủ thầm, nụ cười gượng gạo trên môi - thật chả biết
đâu là hư đâu là thực nữa. Cố lên ông bạn già! Cố đóng cho xong vai cuối
đời này nữa thôi!
Ông rẽ vào nhà vệ sinh. Nhân lúc không có ai, ông cởi bỏ bộ kaki
đang mặc, lấy trong túi ra bộ quân phục gắn quân hàm đại úy. Ông bôi
thuốc nhuộm tóc đen, vội vã hóa trang mấy nếp nhăn trên mặt. Trong lòng
ông bỗng thấy hồi hộp, như ngày đầu bước lên sân khấu.