tin đó. Vượt qua sự nhọc nhằn hằng ngày cũng bằng niềm tin đó. Để giữ
vững niềm tin, tôi thường nhắc đi nhắc lại với Thủy Tiên:
- Em biết không, người nghệ sĩ phải biết tự tìm lấy cái Đạo cho mình
mà thờ. Dù chết cũng phải làm theo cái Đạo ấy.
Đó là câu nói của ông giám đốc xưởng phim thể nghiệm. Câu nói ấy
làm tôi cảm động. Vì cái Đạo ấy tôi đã một mình nôn nóng lên đây. Suốt
bảy năm chờ đợi ở xưởng phim thể nghiệm, tôi đã kiên trì bám theo cái
Đạo ấy, bất chấp mọi sự túng thiếu, bất chấp sự chán nản rã rời đã phá hủy
biết bao tâm huyết và kiến thức của lớp trẻ chúng tôi. Trước hôm lên
đường, ông giám đốc trang trọng bắt tay tôi như một vị chỉ huy dặn dò
người lính trước giờ xung trận:
- Xưa nay chưa có ai làm như cháu, tất cả đều phải chờ kinh phí.
Nhưng cháu cứ đi đi, hãy chuẩn bị bộ phim đầu cho thật tốt. "Lời ru của
chiến tranh" nhất định phải là bộ phim hay. Trách nhiệm đôn đốc đoàn làm
phim lên đúng hẹn là của chú. Chúc cháu thành công!
Sự chờ đợi của chúng tôi đã trở thành đầu đề bàn tán cho mọi người ở
cái thị trấn buồn tẻ này. Nơi đây chẳng chuyện gì giữ kín được lâu. Chỗ tôi
là nhà trọ số 5, gọi là nhà trọ chứ thực ra là nơi tụ tập của những người đàn
bà sống bằng nghề hành lạc. Những gã đào vàng và những lái buôn cà phê
thường xuyên lai vãng. Trong đó có một gã đặc biệt có khuôn mặt vêu vao
và đôi tay dài quá khổ. Họ vồ lấy câu chuyện chờ đợi của chúng tôi như
một món ăn lạ miệng. Và không biết do ai khởi xướng ra họ bày trò đánh
cá đoàn làm phim của tôi lên hay không lên? Điều đó làm họ thích thú.
Trong con mắt họ tôi như một con xúc xắc đang quay. Gã đào vàng có
khuôn mặt vêu vao đến nhìn ngắm tôi một cách thận trọng.
- Tao đặt vào cửa lên - Gã nói - Này, chú mày có cần vay tiền không?
- Có! - Tôi đáp.