Ngày 18 tháng Mười Một
Đêm qua mưa thật lớn. Những giọt mưa cứ quất ràn rạt vào cửa chớp
khiến bà thức giấc đến mấy lần. Sáng nay lúc mở mắt dậy, trời vẫn còn u ám
lắm, thế nên bà nằm ráng trong chăn thêm một lúc nữa. Tháng năm trôi qua
khiến nhiều thứ đổi thay! Ở tuổi của cháu, bà như một con chuột sóc có thể
ngủ nướng đến tận giờ ăn trưa nếu không bị ai quấy rầy. Thế mà giờ đây, lúc
nào bà cũng tỉnh giấc trước bình minh cho nên ngày cứ kéo dài đến vô cùng
vô tận. Thật tàn nhẫn, phải không cháu? Thêm nữa, những thời khắc buổi
sáng là đỉnh điểm của mọi sự tệ hại, chúng ta không thể nghĩ được gì khác,
mà chỉ biết ngồi đó và quan sát những dòng suy nghĩ trôi ngược về quá khứ.
Suy nghĩ của người già không có tương lai; phần lớn đều buồn bã, tệ hơn
nữa là u sầu tột độ. Bà thường cố gắng tìm hiểu sự trêu ngươi của tạo hóa
này. Hôm nọ, sau khi xem một bộ phim tài liệu trên tivi bà cứ suy tư mãi. Bộ
phim đó nói về những giấc mơ của loài vật. Tất cả các sinh vật thuộc mọi
cấp bậc từ lớp Chim trở lên thường rất hay mơ. Chim sẻ ngô và bồ câu mơ,
thỏ và sóc mơ, chó và những con bò nằm dài trên đồng cỏ cũng mơ. Tất cả
chúng đều mơ, nhưng theo những cách thức khác nhau. Các loài động vật bị
săn đuổi có những giấc mơ ngắn ngủi, thường chỉ như các chớp ảnh hơn là
một giấc mơ thật sự. Ngược lại, giấc mơ của những loài thú săn mồi thường
dài và phức tạp. Người dẫn chuyện kể rằng, “Hoạt động mơ là cách để thiết
lập chiến lược sống sót. Các loài thú săn mồi không ngừng tìm ra những
phương thức mới để tìm kiếm thức ăn, trong khi các loài bị săn đuổi –
những loài ăn cỏ vốn có thức ăn ở ngay trước mặt – chỉ bận tâm đến một
điều duy nhất: thoát hiểm thật nhanh.”
Vì vậy một con linh dương thường mơ thấy cánh đồng cỏ xavan trải dài
tít tắp ngay trước mắt, trong khi một con sư tử lại mơ đến những cách thức
biến đổi không ngừng để tóm được linh dương. Điều này khiến bà chợt nghĩ,