ở đây, là bảo tàng ngoài trời lớn nhất vùng, có đầy đủ quần thể nhà ở,
nhà thờ, nhà nguyện. Những nhà thờ ở đây cũng chung số phận với
hầu hết những nhà thờ khác ở đây là bị đốt cháy hoặc những hình ảnh
Chúa và tượng, hình vẽ các vị thánh đều bị khuyết mất con mắt. Thế
giới Thiên Chúa giáo nói người đạo Hồi đã phá hủy những hình vẽ
này. Người đạo Hồi bảo không phải, nếu chúng ta phá hủy thì phá hủy
nguyên cả người, cần gì phá mỗi con mắt. Sự thực là khi người Công
giáo di chuyển từ vùng này tới vùng khác, họ đã cậy con mắt mang
theo tới vùng mới. Họ đắp vào những bức vẽ mới vì tin rằng những
con mắt của Chúa và các vị thánh có thể che chở họ qua khỏi hiểm
nguy, ma quỷ. Ngày nay ở Thổ Nhĩ Kỳ, hình ảnh con mắt quỷ dữ màu
xanh da trời, lòng trắng, điểm đen luôn được treo mọi nơi, mang theo
mọi chỗ để tránh điều xấu xảy ra. Có lẽ tập tục này có từ thời đó.
Anh cao bồi dẫn tôi dạo quanh một vòng, xem qua những buồng ăn
tối, nơi ngủ, gian bếp của các thầy tu. Thật giống hình ảnh những khu
ký túc xá, vì đều có giường tầng, bàn ăn dài, ghế đá, cả những tủ lạnh
dưới hầm. Anh cao bồi nói qua loa cho xong chuyện rồi chuồn ra
trước, cho con bé tự tung tự tác, chụp, ngắm, ngắm, chụp. Ra cửa thấy
anh tội tội, mua cây kem cho anh ăn xong, anh vẫn năn nỉ: “Tao xin
mày đấy nghĩ lại đi, ở lại thêm một đêm, không có nhà nghỉ thì qua
nhà tao. Để tao có thêm thời gian bên mày”. “Không được, tao hứa với
đứa bạn là đi cùng nó rồi”. Anh ỉ ôi phát mệt, kết quả là anh buông
xuôi, lái xe về, trên đường không thèm nói câu nào. Anh im ắng, tôi
mặc kệ cho tới khi xe đậu bến một quán café ở trung tâm Goreme tôi
mới thở phào: “Từ đây biết đường về nhà rồi, chả sợ gì nữa”. Thế là
ung dung, vào quán gọi hai cốc trà đen, nói chuyện luyên thuyên với
ông chủ quán.
“Sao mày không ở lại?”
“Tao hứa đi cùng bạn rồi”.