Chuyện là trên chuyến tàu tới Ostuni, tôi ngồi đối diện một chị gái.
Chị rất xinh, có khuôn miệng lúc nào cũng mỉm cười duyên dáng. Chị
ngồi nhắn tin chí chóe, thỉnh thoảng liếc tôi vài cái hoài nghi. Sau khi
thấy tôi làm đổ chai nước, thì chị túm ngay được cái cớ để bắt chuyện.
Chị là cô giáo tiếng Anh, nên thích buôn chuyện bằng thứ tiếng này
khi có dịp, tôi đoán thế. Tôi hồ hởi tiếp chị ngay. Ba phần tư câu
chuyện chị ca thán dạo này kiếm việc ở Ý khó như lên trời. Vụ này tôi
có nghe anh bồi bàn quán pizza ở Bari kể, anh ta đổ tội tại Mafia thao
túng quá nhiều và chính phủ của Belursconi đang làm tan hoang đất
nước. Cả hai người đều có cái thở dài ngao ngán và chua chát khi nói
về tình hình kinh tế đất nước. Kỳ lạ, cả hai đều hỏi tôi: “Ở Việt Nam,
xin việc có dễ không? Kinh tế của nước mày có bị suy thoái không?”.
Tôi thật không biết nói gì.
Tôi chưa từng xin việc và tôi lại đang không ở Việt Nam. Thế đấy,
trong khi chị nói chuyện thất nghiệp, tôi nói chuyện có lương và đi
chơi. Tôi bảo chị tới Việt Nam đi, lương cho giáo viên tiếng Anh tốt,
dễ kiếm việc làm. Lúc đó mặt chị cực long lanh như thạch anh dưới
ánh sáng. Chị hào hứng vô cùng như cái cọc cuối cùng kiếm được con
trâu trước khi cha mẹ từ mặt. Tôi không biết việc tiêm nhiễm một ý
nghĩ mơ hồ khờ dại như thế vào đầu chị có phải tốt không? Nhưng ý
tưởng chị tiêm vào đầu tôi thì rất tốt. Chị bảo tôi: “Đến đây hả? Mày
phải tới Polignano, phải tới, phải tới”. Trong khi nghe tôi nói muốn tới
Alberobello và Ostuni, chị chỉ cười: “Ừ, cũng dễ thương”. Dù tôi gặng
hỏi, chị quyết không nói cho tôi biết ở Polignano có gì, điều đó thật
kích thích trí tò mò.
Và đấy, chính là cái việc tôi cần làm lúc này: Nhảy tàu ở Polignano.
Việc này về cơ bản là dễ vì tàu từ Ostuni về Bari sẽ đi qua
Polignano. Việc chỉ khó khi người làm nghĩ nó khó. Hoặc chỉ khi
người ta quá mệt, buồn ngủ, và không biết liệu có thức dậy đúng ở bến