nhà hát diễn kịch, mọi đứa trẻ đều thành nhân viên bán vé, còn bố mẹ
chúng thành diễn viên. Trên mọi ngả đường, người ta biểu diễn xiếc,
ca nhạc, nhảy múa, mời chào xem kịch. Có tốp nhảy thật hăng say trên
nền bài “Englishman in New York” của Sting. Giai điệu đó đã theo tôi
vào cả giấc mơ những ngày sau này. Chen lấn giữa đám người, chúng
tôi tới tòa lâu đài giáo hoàng, tới cầu Avignon, và nghỉ ngơi một chút
ở quảng trường lớn. Năm 1309, một cha xứ người Pháp được phong
làm giáo hoàng và ông đã chuyển ngai vị của mình từ Rome về
Avignon. Tiếp sau ông, bảy vị giáo hoàng người Pháp khác cũng chọn
nơi đây là nơi tại vị, tuy nhiên sau xung đột với vua Pháp vào năm
1378, thủ đô nước Ý đã lấy lại được vầng hào quang của mình. Khi
mọi con đường đều đổ về thành Rome thì tòa lâu đài này trở thành
viện bảo tàng, nằm uy nghi giữa trung tâm thành phố. Còn cầu
Avignon vẫn vậy, vẫn như chưa bao giờ được hoàn thành, nhưng ai
cũng biết qua bài hát nổi tiếng “Sur le pont Avignon”.
Chúng tôi ở lại Avignon cho tới chiều tà, lúc này người nhễ nhại mồ
hôi, mệt mỏi, ba lô nặng trĩu. Đoàn người chen lấn trong thành phố
càng lúc càng đông hơn. Thảo nào mà khó thuê khách sạn ở đây đến
thế. Trèo lên xe bus để tới Apt, mặt trời đã bắt đầu chìm xuống bên kia
sông, cái dịu êm bắt đầu xâm chiếm tinh thần. Đường lát gạch như
gương, khiến mặt trời như được nhân đôi. Tôi gọi đó là hiện tượng ảnh
đất, gấp đôi ánh sáng, trang hoàng cho một buổi chiều tráng lệ. Cây
cối không động cựa, ngâm mình trong nắng muộn và gió chiều.
Thành phố này bé tí hin, gọi là phố thì oan mà gọi là làng thì tội.
Hàng quán đã đóng cửa, đường lên đèn. Thứ ánh sáng vàng dịu nhẹ,
trải bóng chân tới các quảng trường nhỏ xinh. Trong những con đường
hẹp, không bóng người, không cười nói luyên thuyên, chỉ có ánh đèn
vàng và đèn đường loang loáng. Ngồi nhâm nhi ly kem rưới sốt
chocolate trong cái gió khe khẽ của buổi chiều sao mà tuyệt diệu. Xa
xa, luống hoa hồng nở he hé bên cây cầu cũ. Thành phố này cũng từng