tuyết trắng. Mỗi bước đi khổ sở như có hai đứa nhóc con đu hai bên
chân, giống khi Quy lão tiên sinh ốm nhách bị Songuku và Krilin bám
vào năn nỉ xin được học võ ấy. Kéo lê đôi giày đã khổ, kèm thêm cái
ván nữa thì tốc độ đi bộ chỉ tính bằng cm/phút. Nhọc nhằn lắm thì tôi
mới tự lôi mình qua được trường học của tụi trẻ con. Các em bé mặc
áo liền quần hồng, vàng, xanh, đầu đội mũ bảo hiểm, má hây hây, nhìn
đáng yêu vô cùng. Tụi nhỏ xếp hàng giống mấy con chim cánh cụt, lút
cút đi theo thầy giáo. Đứa nào nhìn cũng hau háu, trượt nhiệt tình,
không hề sợ hãi. Hồi bé chừng tụi nó, tôi cũng hiên ngang ngồi cho
người ta bắn lỗ tai pằng pằng không khóc. Tôi cũng can đảm ngồi vào
lồng uốn để làm tóc xù mì mà không kêu tiếng nào. Giờ thì chỉ thấy
nườm nượp người trượt xuống chân núi đã hốt hoảng.
Thực ra thì cũng có nhiều đoạn thoai thoải, gần như đường bằng, ở
đó bạn tha hồ đi, trượt, bò, lê lết, đứng dậy, trượt tiếp. Cả lũ tám đứa
lôi nhau vào bãi cuối, ở tận cùng của chân núi, nơi thi thoảng mới có
cao thủ trượt như bay tới. Để đến được thiên đường ấy là cả một hành
trình. Anh Tèo lao xuống như vũ bão, lúc sau đã hổn hển: “Trời ơi, xui
quá, xém gãy chân”. Anh Cường vẫn kiên trì vừa đi vừa ngã ngửa.
Thằng em tôi thì ngã nhiều quá tới mức chán, nằm luôn tại chỗ nhắn
tin. Tiến và anh Hân thì không dám xỏ ván vào, vẫn từng bước miết
chân trên nền tuyết. Tôi, Giang, anh Phong thì vẫn cặp kè, chị ngã em
nâng. Đứa nào cũng đứng lên ván, trượt hai giây là ngã oạch. Mất
khoảng năm phút mới đứng lên được.
Đúng là “thật khó để đứng dậy sau khi vấp ngã”, câu này tôi cam
đoan là rút ra từ việc trượt tuyết. Sau một hồi ngã ê mông thì Giang
vẫn chưa thể nào tìm được cách nào để tự đứng. Còn tôi thì quỳ một
chân xuống, chống gậy lên, đè nguyên nửa tạ thịt vào cây gậy, rồi cố
gắng hết sức lôi bản thân đứng dậy. Thành công 90% nhưng ống chân
thì đau vô cùng, giống như cái thành cứng của đôi giày sắp đập vỡ ống
quyển. Có lúc chống không nổi, hai chân choạc sang hai hướng, tôi