“Tuyết Sắc phúc to mạng lớn, cuối cùng cũng vượt qua được, song Kính Tu
lại vì uất ức mà ngã bệnh. Thấy cả nhà sắp bị đuổi ra đường vì không trả
nổi tiền thuê căn lều rách, ta đành giấu Kính Tu một mình đến chợ Tây tìm
cơ hội. Ta vẫn nhớ như in bấy giờ là mùa đông rét mướt, những chiếc lá
hòe lần lượt lìa cành rơi xuống lề đường. Có một người đàn bà chừng năm
sáu mươi tuổi mặc áo thô màu nâu rách nát ngồi ở cửa chợ Tây xin ăn. Bà
ta ôm cây tỳ bà cũ nát đã tróc sơn loang lổ, cất giọng khản đặc hát một
khúc Trường tương thủ sai lời lạc điệu. Mái tóc vừa bết vừa rối bù xõa
xuống vai, càng làm nổi bật gương mặt lem luốc nhăn nheo như rêu khô
chồng chất trên khối đá đã bị xói mòn. Song chẳng có cách nào khác…
Tấm áo rách trên mình bà ta không che nổi cơn gió lạnh như dao cắt, bàn
tay lạnh đến nứt toác, bờ môi khô nẻ tím tái, trục cây đàn tỳ bà kia cũng đã
lâu không so lại, dây đèn xiêu vẹo, làm sao gảy ra được một khúc ra hồn?”
Cuối cùng, từ đôi mắt thẫn thờ của hoàng hậu cũng tuôn hai hàng lệ. Người
bưng mặt nghẹn ngào, “Ngươi không hiểu được… nỗi tuyệt vọng trong
lòng ta bấy giờ đâu. Hôm ấy, ta đã đứng trước mặt người đàn bà nọ rất lâu.
Buổi chiều lạnh lẽo âm u như sắp mưa, chợ Tây cũng vắng ngắt. Ta nhìn bà
ấy, tựa như trông thấy chính mình ba mươi năm sau, từ một đóa hoa rạng rỡ
đầu cành, trở thành một nắm bã đậu khoác áo rách thều thào… Không nơi
nương tựa, nghèo đói bệnh tật, cuối cùng tê tái mà thê lương chết ở đầu
đường, da thịt âm thầm rữa nát, chẳng ai hay biết ta từng sở hữu dung mạo
và tài hoa khiến bao người phải ganh tị…”
Hoàng hậu thở dài, run rẩy hít một hơi thật sâu, đoạn khó nhọc tiếp, “Kể từ
buổi chiều hôm ấy, ta đã vứt bỏ tất cả ngây thơ, hiểu ra rằng cái gọi là tình
yêu, khi đối mặt với hiện thực thì chẳng chịu nổi một đòn. Thứ ta thực sự
cần không phải là cùng Kính Tu sống chết có nhau, mà là tiếp tục sống, hơn
nữa còn phải sống thật đủ đầy sung sướng, vĩnh viễn không bao giờ phải
ôm tỳ bà ăn xin ở chợ Tây!”
Hoàng Tử Hà lặng lẽ nhìn hoàng hậu.