Chỉ trong ít năm, Macônđô là một làng ngăn nắp gọn gàng và chuyên cần
hơn bất kỳ làng nào trong số những làng được ba trăm cư dân ở đây biết tới
cho đến lúc bấy giờ. Thực tế, đó là một làng hạnh phức, là nơi chưa một ai
ngoài ba mươi tuổi, và chưa hề có người chết.
Kể từ những ngày lập làng, Hôsê Accađiô Buênđya đã làm bẫy và làm lồng
chim. Chẳng bao lâu, không chỉ trong nhà ông mà trong tất cả các nhà của
làng này đều đầy chim: nào chim tổ treo, chim hoàng yến, chim cổ đỏ,
chim axulêhô. Tiếng chim tổ treo inh ỏi khiến Ucsula phải lấy sáp ong bịt
lỗ tai lại để khỏi mất cảm giác thực. Khi những người digan thuộc bộ tộc
của Menkyađêt đến đây lần đầu tiên để bán những viên thuốc đau đầu, thì
mọi người lấy làm kinh ngạc nhận thấy bọn người này làm sao có thể tìm
đến làng mình, một cái làng chìm trong hơi mù của đồng lầy, và những
người digan thú nhận rằng họ đến được là nhờ tiếng chim hót dẫn đường.
Những tập tục tốt đẹp nhưng còn sơ đẳng ấy, trong thời gian ngắn bị cuốn
tuột đi bởi cơn đam mê đá nam châm, bởi những tính toán thiên văn, bởi
những mơ mộng biến chì thành vàng và bởi những thèm khát được biết
những kỳ quan thế giới của Hôsê Accađiô Buênđya. Vốn là người hoạt bát
và sạch sẽ, Hôsê Accađiô Buênđya đã trở thành một người lười nhác, ăn
mặc thì lôi thôi lếch thếch, râu ria thì xồm xoàm đến mức Ucsula phải dùng
con dao thái thịt cạo cho nó gọn lại. Không thiếu người cho rằng ông là nạn
nhân của một thứ bùa yểm quái quỉ nào đó.
Nhưng những người tâm đầu ý hợp với cơn điên của ông đã bỏ công việc
và gia đình để theo ông, khi ông đặt lên vai mình bộ đồ nghề thợ mộc và
yêu cầu mọi người cùng giúp tay mở một con đường để làng Macônđô có
thể giao tiếp với những phát minh lớn của loài người.
Hôsê Accađiô Buênđya hoàn toàn không hiểu địa lý của vùng này. ông biết
rằng về hướng đông là dãy núi không thể vượt qua dược và ở phía bên kia
dãy núi là thành phố cổ Riôacha, nơi trong những thời đã qua - theo như lời
ông nội Aurêlianô Buênđya thứ nhất kể với ông - tên cướp biển Phrăngxit